Chiều 19.9, tại TP Cần Thơ, Bộ tư lệnh Quân khu 9 tổ chức lễ xuất quân các tổ quân y hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch COVID-19. Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quân khu 9 chủ trì buổi lễ
Những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn biến ngày càng phức tạp, dự kiến trong thời gian tới số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã thiết lập nhiều cơ sở thu dung, điều trị, nhưng do nguồn lực y, bác sĩ, điều dưỡng hiện tại còn thiếu so với nhu cầu.
Đợt xuất quân lần này, Quân khu 9 cử lực lượng gồm 10 bác sĩ và 20 điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 121 tham gia phục vụ tại Bệnh viện dã chiến TP.Hà Tiên theo lời kêu gọi hỗ trợ của UBND tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho các lực lượng, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, lâu dài, các lực lượng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu cao y đức, phát huy trí tuệ, bản lĩnh; xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt; góp phần cùng địa phương nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Bên cạnh hỗ trợ vật lực, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã cử nhiều lực lượng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.
Trước đó, ngày 16.9, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức lễ xuất quân, tiễn 600 cán bộ, đoàn viên và sinh viên lên đường hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Các cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sẽ hỗ trợ tỉnh Kiên Giang trong công tác lấy mẫu cộng đồng, test nhanh và xét nghiệm PCR tại 5 huyện, thành phố gồm: Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và Hà Tiên.
Phát biểu tại lễ xuất quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ Nguyễn Trung Kiên hy vọng các thành viên trong đoàn sẽ hỗ trợ tốt công tác phòng, chống dịch của địa phương để nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước kia.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức đưa trên 2.000 lượt cán bộ và sinh viên lên đường chi viện, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP.HCM.