Một câu chuyện đang gây xôn xao dư luận trong vài ngày gần đây là sự việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

Xung quanh câu chuyện thương hiệu bún bò Huế: Đúng hay sai?

Nhàn Đàm | 07/08/2016, 11:35

Một câu chuyện đang gây xôn xao dư luận trong vài ngày gần đây là sự việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

Theo đó bất cứ nhà hàng hay quán ăn nào muốn sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” bao gồm logo theo mẫu được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quản lý thì phải xin phép, kèm thêm một số quy định về chất lượng cũng như quy trình chế biến theo chuẩn được ban hành. Bất cứ việc sử dụng nhãn hiệu cólogo nói trên hoặc logo tương tự có thể gây nhầm lẫn mà không xin phép là hành vi vi phạm, và có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về sở hữu trí tuệ.

Ngay lập tức, sự việc này đã vấp phảisự phản ứng khá lớn từ dư luận xã hội cũng như một số kênh truyền thông như báo chí và mạng xã hội. Vậy, thực chất của câu chuyện này là gì, và việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” là đúng hay sai?

Trước tiên, cần khẳng định và thừa nhận một thực tế rằng, việc ban hành quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với các mặt hàng đặc trưng của từng vùng miền hay thậm chí là từng quốc gia nói chung và ẩm thực nói riêng, không phải là một điều gì quá xa lạ.

Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng kể ra một vài thương hiệu ẩm thực hoặc thực phẩm riêng của từng địa phương đã được đăng ký mà họ thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống. Có thể kể đến những thương hiệu khá nổi tiếng đã được đăng ký có xuất xứ trong nước, như rau Đà Lạt, chè Thái Nguyên,… nhãn hiệu nổi tiếng xuất xứ từ nước ngoài thì có thể kể đến thịt bò Kobe. Trong đó, đặc điểm chung của các thương hiệu này là phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ, chất lượng và phải có sự xin phép và đồng ý từ tập thể quản lý nhãn hiệu đó trước khi được gắn thương hiệu và đưa ra thị trường.

Nói cách khác, việc đăng ký quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể là một cách để tạo dựng và đảm bảo tên tuổi và uy tín của các thương hiệu, tránh sự mạo nhận và gian trá từ những mặt hàng tương tự không đảm bảo chất lượng. Nó không có tác dụng hạn chế hay có ảnh hưởng tiêu cực đến các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường, mà chỉ nhằm tạo ra một chỗ đứng riêng cho các sản phẩm của mình dựa vào sự quản lý chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ và quy trình sản xuất.

Người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn rau Lai Châu thay vì rau Đà Lạt, hoặc chọn mua chè Lâm Đồng thay vì chè Thái Nguyên. Việc đăng ký, sử dụng và quản lý nhãn hiệu tập thể này đang ngày càng trở thành một xu hướng phổ biến trong nền kinh tế, nơi thương hiệu có một sức mạnh và giá trị rất lớn trong việc phân phối và bán ra trên thị trường, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng. Không chỉ trong nông sản, ẩm thực mà việc đăng ký sử dụng và quản lý nhãn hiệu này còn diễn ra ở khá nhiều lĩnh vực khác.

Ẩm thực cũng không phải là một ngoại lệ. Một ví dụ điển hình là món bánh Pizza và món mì Spaghetti nổi tiếng của Italia. Người dân Italia từng tổ chức vận động công nhận hai món ăn nổi tiếng trên trở thành di sản phi vật thể, trong đó đề ra một số quy tắc nhất định về nguyên liệu, công thức và cách thức chế biến nhất định giúp người dân trên toàn thế giới biết làm thế nào là Pizza và Spaghetti đúng kiểu Ý.

Việc người Ý đưa ra những quy tắc nhất định về nguyên liệu và công thức chế biến không có nghĩa là họ muốn quản lý tất cả các nhà hàng, khách sạn và quán ăn trên toàn thế giới phải chế biến Pizza và Spaghetti theo đúng những gì họ muốn; mà chỉ đơn giản là một sự giới thiệu. Vì Pizza và Spaghetti là những món ăn rất phổ biến trên toàn cầu, với những cách thức chế biến rất đa dạng ở mỗi quốc gia và mỗi vùng miền khác nhau, và người Ý chỉ muốn giới thiệu và hướng dẫn cách làm thế nào để chế biến và thưởng thức hai món ăn trên theo đúng kiểu Ý, quê hương của hai món ăn đó, mỗi khi cần phân biệt giữa các loại Pizza và Spaghetti khác nhau mà thôi.

Câu chuyện về nhãn hiệu “Bún bò Huế” của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có lẽ cũng tương tự. Bún bò Huế là một món ăn quen thuộc có độ phổ biến rộng rãi không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn cả ở nước ngoài, với nhiều cách chế biến tùy thuộc từng vùng miền. Không ai và cũng không có điều luật nào có thể cho phép một tổ chức hay một cá nhân có quyền quản lý cách thức chế biến một món ăn có độ phổ biến rộng rãi như thế, dù là ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Điều mà UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế muốn hướng đến khi đăng ký sử dụng và quản lý nhãn hiệu “Bún bò Huế”, chỉ đơn giản là tạo ra một thương hiệu tiêu chuẩn cho món ăn đặc sản có nguồn gốc ở địa phương này. Và cách thức thực hiện là thông qua việc sử dụng logo riêng và đặc trưng.

Theo đó bất cứ ai muốn sử dụng logo Bún bò Huế đã được UBND Thừa Thiên-Huế đăng ký quản lý đều phải xin phép, và phải tuân thủ một số quy định trong chế biến món ăn này, từ nguyên liệu đến công thức, nhằm tạo ra một món ăn có chất lượng đảm bảo, ổn định và đồng đều dù ở bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước đi nữa. Dĩ nhiên, điều này có thể đem đến những lợi ích lớn trên khía cạnh kinh tế và du lịch, nếu chất lượng của sản phẩm ẩm thực này được công nhận rộng rãi và tạo ra uy tín cho thương hiệu có thể thu hút khách hàng.

Nói cách khác, việc đăng ký sử dụng và quản lý thương hiệu logo “Bún bò Huế” của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lần này, trước hết là hướng đến việc giới thiệu một công thức chế biến có thể xem như truyền thống và đặc trưng của một món ăn nổi tiếng và phổ biến có xuất xứ từ địa phương, tương tự như người Ý đã làm với món Pizza và Spaghetti.

Và sau đó là tìm cách nâng cao tên tuổi của món bún bò Huế truyền thống này thông qua việc xây dựng một chuỗi cửa hàng thống nhất về nguyên liệu và cách thức chế biến, tương tự như bất cứ những chuỗi cửa hàng cà phê hay đồ ăn nhanh mà chúng ta vẫn thấy tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Chỉ khác ở chỗ, Thừa Thiên-Huế không phải chủ sở hữu của các chuỗi cửa hàng đó, mà chỉ quy định các vấn đề liên quan đến chế biến và chất lượng món ăn khi cửa hàng muốn sử dụngnhãn hiệu và logo"Bún bò Huế" do tỉnh ban hànhmà thôi.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan
SASCO-SAGS: Hai thương hiệu lớn ngành hàng không ký kết hợp tác chiến lược
Ngày 26.4, SASCO - một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại Việt Nam và SAGS - Công ty dịch vụ mặt đất với hơn 20 năm phát triển, đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh câu chuyện thương hiệu bún bò Huế: Đúng hay sai?