Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết, trong thương vụ MobiFone mua lại AVG, MobiFone phải có trách nhiệm công bố giá trị thương vụ, còn AVG thì không vì AVG không phải doanh nghiệp nhà nước.

AVG không có trách nhiệm công khai về giá “bán mình” cho MobiFone

Trí Lâm | 04/08/2016, 20:15

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết, trong thương vụ MobiFone mua lại AVG, MobiFone phải có trách nhiệm công bố giá trị thương vụ, còn AVG thì không vì AVG không phải doanh nghiệp nhà nước.

Luật chưa quy định rõ

Hiện nay, có nhiều ý kiến đặt vấn đề Mobifone không công bố đầy đủ thông tin về thương vụ thì liệu rằng AVG có phải công bố hay không? Theo Luật sư Kiều Anh Vũ, do AVG không phải là doanh nghiệp nhà nước nên không có trách nhiệm công bố thông tin như trường hợp của Mobifone.

“Pháp luật hiện hành chỉ bắt buộc công bố thông tin đối với công ty cổ phần là công ty đại chúng hoặc tổ chức niêm yết. Do đó, nếu AVG chỉ là công ty cổ phần thông thường (không đại chúng, không niêm yết) thì không thể yêu cầu AVG công bố thông tin, trách nhiệm này của MobiFone” – ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, Mobifone là công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, là doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo điểm h khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty nhà nước phải công bố thông tin bất thường trên trang thông tin điện tử và ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như: Có quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.

Luật sư Kiều Anh Vũ - Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn

Bên cạnh đó, Điều 20, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN cũng quy định doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và công bố công khai các thông tin bất thường khi xảy ra một trong các sự kiện nêu trên; thời hạn báo cáo không muộn hơn 24 giờ và thời hạn công khai các thông tin bất thường là không muộn hơn 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

“Việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là quyết định đầu tư vào doanh nghiệp khác, là trường hợp phải công bố thông tin theo các quy định nêu trên” – ông Vũ nói.

Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, vấn đề là nội dung nào trong quyết định đầu tư phải công bố? Thực tế Mobifone cũng đã công bố thông tin như tên đối tác (AVG), số lượng cổ phần giao dịch nhưng liệu rằng giá trị thương vụ có bắt buộc phải công bố thông tin hay không?

“Với các quy định nêu trên, câu trả lời là luật chưa quy định rõ” – ông Vũ nói.

MobiFone và “quả bóng” trách nhiệm không thể chuyền

Dù vậy, theo vị luật sư này, với cách hiểu thông thường, khi nói đến quyết định đầu tư thì phải hiểu rằng quyết định đầu tư đó phải có các nội dung về phương án đầu tư, lý giải vì sao đầu tư vào doanh nghiệp này (AVG) mà không phải là doanh nghiệp khác, giá trị thương vụ bao nhiêu, phương thức thanh toán, giao dịch như thế nào…

Như vậy, quả bóng trách nhiệm đang trong chân của MobiFone và doanh nghiệp này khó có thể đá sang ai khác. Khoản 1 Điều 4 Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định của pháp luật về công bố thông tin của DNNN là nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với DNNN.

Do vậy, có thể hiểu rằng việc công bố thông tin bất thường của DNNN về một quyết định đầu tư vào doanh nghiệp khác cần phải công bố thông tin đầy đủ, bao gồm thông tin về giá trị thương vụ, để đáp ứng yêu cầu “giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước” như quy định của luật.

“Nếu chỉ công bố thông tin nhỏ giọt, nửa vời thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu về giám sát. “Nửa ổ bánh mì là nửa ổ bánh mì nhưng một nửa sự thật là sự giả dối”, vì vậy, theo quy định của pháp luật và với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc Mobifone mua cổ phần của AVG phải công bố thông tin một cách đầy đủ, bao gồm cả thông tin về giá trị thương vụ để đảm bảo các yêu cầu về công khai, minh bạch, giám sát. Giá trị thương vụ là một vấn đề rất quan trọng, cho thấy quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư có đúng quy định hay không” – ông Vũ nêu quan điểm.

Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc người đại diện pháp luật và người được ủy quyền công bố thông tin của MobiFone từ chối công bố giá trị thương vụ với lý do bên mua và bên bán đã ký kết với nhau điều khoản bảo mật là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 81 của Chính phủ.

“AVG là một công ty 100% vốn tư nhân điều hành quản lý, chứng tỏ các ngành nghề kinh doanh của AVG không ảnh hưởng an ninh, bí mật quốc gia. Do vậy thương vụ mua AVG thuộc loại thông tin phải công bố tức thời ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán” – ông Hải nói.

Bên cạnh đó, theo VAFI, những thông tin mà MobiFone công bố còn sơ sài, thiếu nhiều nội dung công bố quan trọng mà nhà nước đã qui định như: Không có 1 báo cáo tài chính của năm 2015 và bất kỳ năm nào được công bố công khai; không có báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp; không có báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của năm 2016… trên trang web của công ty.

Được biết, theo các quy định của pháp luật, trường hợp DNNN có sai phạm trong việc công bố thông tin thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 23 Nghị định 81/2015/NĐ-CP. Mức xử lý tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, có thể khiển trách, cảnh cáo, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo đó, sẽ tiến hành xử lý hình sự trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, khiến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước lớn.

MobiFone sẽ báo cáo trung thực?

Ngay sau khi có quyết định thanh tra, Tổng Công ty viễn thông MobiFone đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, công ty sẽ chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và báo cáo trung thực theo quy định của pháp luật trước đoàn thanh tra làm việc về Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG.

“Là một Tổng Công ty nhà nước, MobiFone luôn nghiêm túc chấp hành các qui định của nhà nước về quản lý trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chủ quản. Hoạt động thanh - kiểm tra của các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ là một phần của sự kiểm tra, quản lý, giám sát của nhà nước đối với hoạt động của các Tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước”, thông cáo viết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình mua lại phần lớn cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG) được khởi động từ tháng 8.2015 trong kế hoạch đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Khi đó, MobiFone tham khảo ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để định giá AVG.

VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá AVG với giá 33.299,49 tỉ đồng. Lần định giá thứ hai với công ty thẩm định khác có mức giá là 24.548,19 tỉ đồng. Sau đó, VCBS tiếp tục thuê thêm Công ty TNHH định giá Hà Nội – TPHCM và mức giá còn 18.520 tỉ đồng. Tiếp theo đó, MobiFone đã thuê thêm một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép xác định giá trị của AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỉ đồng, theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỉ đồng.

Thương vụ này gây ồn ào dư luận trong suốt một thời gian dài và tháng 1.2016, MobiFone hoàn tất thương vụ mua 95% cổ phần của AVG. Tuy nhiên, dù giá trị thương vụ thuộc diện phải công khai nhưng hai bên vẫn giữ kín thông tin này.

Trong khi đó, trong hai năm 2015 và 2016, AVG lỗ lần lượt 316 và 91 tỉ đồng và dự kiếnchỉ bắt đầu có lãi từ năm 2017 với ước tính trị giá156 tỉ đồng. AVG lúc chuyển giao có 700.000 thuê bao, tuy nhiên, chủ yếu là thuê bao vùng nông thôn do giá thành rẻ và nhiều khuyến mại.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
AVG không có trách nhiệm công khai về giá “bán mình” cho MobiFone