Theo tôi, khủng hoảng ở đây nằm trong quan điểm của khối lãnh đạo y tế hiện nay. Từ những quan điểm chưa thống nhất ở bệnh viện, khối y tế dự phòng, các lãnh đạo Bộ Y tế”.
Đó là nhận xét của bác sĩ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng trước câu hỏi: Có phải Bộ Y tế giấu dịch sởi? Tại sao số mắc, số tử vong công khai muộn và không thống nhất? Tại sao chỉ lo đối phó với dư luận mà không minh bạch thông tin?...
Cũng theo bác sĩ Tuấn, khủng hoảng này xuất phát từ hành động đối phó và tình trạng chung là đổ lỗi cho người dân, cho rằng báo chí, truyền thông luôn luôn soi mói, mà chưa nhìn nhận rằng khủng hoảng trong giải quyết các sự cố ngành y tế, không chỉ là dịch sởi mà còn là dịch tả, tay chân miệng, bệnh “lạ”, tai biến văcxin... đều giống nhau và kéo dài nhiều năm.
Cách xử lý của ngành y tế là khi dịch đã xảy ra mới trấn an dư luận mà không phân tích nhìn nhận trên cơ sở minh bạch thông tin và phương pháp xử lý vấn đề một cách khoa học.
“Việc hàng trăm trẻ em tử vong trong vòng hơn ba tháng qua liên quan đến dịch sởi, tập trung ở Bệnh viện Nhi trung ương mà bệnh viện vẫn tiếp tục nhận bệnh nhân vào, biến bệnh viện thành ổ bệnh, theo tôi, là vấn đề yếu kém cả về đạo đức lẫn chuyên môn”, bác sĩ Tuấn nói.
Đến hôm qua 19.4, có thêm hai bệnh nhi đều dưới 9 tháng tuổi, bị viêm phế quản - phổi có xét nghiệm dương tính với sởi biến chứng quá nặng và gia đình đã xin cho hai bé về.
Đây là hai trường hợp tử vong thứ 108 và 109 liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong ba tháng qua, nâng tổng số tử vong liên quan đến sởi trong cả nước lên 118 trường hợp.