Blue is the Warmest Colour, Brokeback Mountain và Happy Together có lối kể gai góc về đề tài đồng tính khiến người xem phải ngẫm nghĩ.
1. Carol (2015)
Carol là phim của đạo diễn Todd Haynes, do nhà biên kịch Phyllis Nagy mất 11 năm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển The Price of Salt. Truyện gốc lấy bối cảnh New York (Mỹ) thập niên 1950, kể về một phụ nữ xinh đẹp đã có gia đình say mê nữ nhân viên bán hàng ngây thơ. Tác giả khi viết xong truyện năm 1952 phải dùng tên giả Claire Morgan do lo ngại phản ứng dư luận về đề tài gai góc.
Ra mắt ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, phim gây sốt với giới chuyên môn, giúp Rooney Mara đoạt giải "Nữ diễn viên xuất sắc". Tác phẩm được nhiều người ví là phiên bản nữ của Brokeback Mountain.
Giới phê bình đồng thuận: "Đạo diễn Todd Haynes đã tái hiện xuất sắc không khí New York thập niên 1950 với các cửa hiệu trang hoàng ấm áp, lộng lẫy mùa Giáng sinh, những chiếc ô tô sang trọng, quý bà choàng khăn đeo găng tay, quý ông đội mũ phớt lịch lãm với điếu xì gà. Bên cạnh đó là mối tình đồng tính đầy nhục cảm". Mặc dù chưa ra rạp rộng rãi, phim không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi hứa hẹn là ứng viên nặng ký mùa Oscar 2016.
2. Bridegroom (2013)
Bộ phim tài liệu gây sốt ngay từ câu chuyện có thật gây chấn động mạng xã hội toàn cầu hồi 2012. Hai người bạn đời đồng tính Mỹ yêu nhau sáu năm và đang chờ kết hôn khi luật thay đổi. Một ngày, họ dự định cưới thì một trong hai qua đời khiến mọi vấn đề hậu sự của người sống cho người chết bị can thiệp về mặt pháp luật. Gia đình của người bạn trai quá cố thậm chí không cho người yêu con trai đến dự đám tang. Phim do đạo diễn Linda Bloodworth-Thomason làm bằng kinh phí gây vốn cộng đồng - gần 385.000 USD (số vốn gây quỹ cộng đồng cao nhất cho một dự án phim tài liệu trong lịch sử tính tới nay).
Ngày phim ra mắt ở Liên hoan phim Tribeca năm 2013, cựu Tổng thống Mỹ - Bill Clinton - đến giới thiệu về phim. Sau khi giành giải thưởng "Phim tài liệu xuất sắc" ở liên hoan này, phim chu du đi khắp thế giới và được giới phê bình ca ngợi, cũng như tạo hiệu ứng mạng mẽ tới người xem. Bridesgroom được xem là cái nhìn trực diện vào vấn đề quyền bình đẳng và quyền kết hôn của người đồng tính ngày nay. Mặc dù không chứa cảnh nude hay bạo lực nào, phim được Hiệp hội điện ảnh Mỹ khuyến khích hạn chế người xem dưới 17 tuổi vì một số lời thoại dung tục.
3. Blue is the Warmest Colour (2013)
Từ khi ra mắt ở Liên hoan phim Cannes 2013, Blue is the Warmest Colour liên tục được nhắc đến trong các danh sách phim về đề tài đồng tính xuất sắc thế kỷ 21. Tác phẩm giành Cành Cọ Vàng còn vượt lên trên ranh giới đó, trở thành một bộ phim tình yêu giàu cảm xúc bậc nhất trong vài năm trở lại đây. Những trường đoạn cảnh nóng trần trụi dài hàng chục phút khiến phim 18+ bị chỉ trích gay gắt, đồng thời tạo hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ.
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết gây sốc cùng tên của Julie Maroh kể về mối tình nhiều thăng trầm của một cô gái trẻ người Pháp với người tình họa sĩ có mái tóc xanh lam. Can đảm đóng những cảnh nóng gây sốc của phim, Léa Seydoux sau đó trở thành minh tinh nổi danh thế giới. Từ bộ phim nghệ thuật danh giá, mỹ nhân Pháp được hàng loạt dự án bom tấn mời tham gia, trong đó có tập thứ 24 về điệp viên 007 - Spectre.
4. Stranger by the Lake (2013)
Stranger by the Lake kể về những cuộc tìm kiếm tình dục và tình yêu bên một chiếc hồ. Phim gây sốc với người xem trước hết ở hàng loạt cảnh phơi bày bộ phận nhạy cảm và những cảnh yêu đương trần trụi giữa thiên nhiên hoang dã của các nhân vật nam. Từ khi tuyển diễn viên, êkíp đã nói rõ các nam chính sẽ phải khỏa thân hoàn toàn gần như từ đầu tới cuối phim.
Nhiều tài tử Pháp từ chối đi thử vai cho phim vì ngại cảnh nóng. Hai nam chính Pierre Deladonchamps và Christophe Paou khi ra trường quay thực là bãi tắm bên hồ cũng nhiều lúc thấy ngại ngùng vì phải khỏa thân hoàn toàn trước ống kính. Nhiều cảnh "nóng" khiêu khích trong phim sử dụng diễn viên đóng thế, phơi bày hoàn toàn bộ phận nhạy cảm ở trạng thái hưng phấn.
Cùng ra mắt ở Liên hoan phim Cannes năm 2013, phim không được công chúng số đông chú ý bằng Blue is the Warmest Colour nhưng vẫn gây sốt trong giới chuyên môn. Tác phẩm mang về cho Alain Guiraudie giải "Đạo diễn xuất sắc" ở hạng mục Un Certain Regard tại Cannes năm đó.
Cây viết Michał Oleszczyk bình luận trên chuyên trang của cố phê bình gia Roger Ebert: "Đây là tác phẩm giật gân quyến rũ và hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây". Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.
5. Milk (2008)
Sau khi ra mắt năm 2008, tác phẩm tiểu sử gây sốt rộng rãi vì tái hiện chân thực cuộc đời nhà hoạt động dân quyền đồng tính công khai đầu tiên ở bang California (Mỹ) - Harvey Milk. Phim dõi theo cuộc sống của chính trị gia từ năm 40 tuổi - khi ông dấn thân vào con đường nhiều sóng gió, trải nghiệm những cảm xúc thăng trầm với người tình đồng giới tới khi bị bắn chết bởi kẻ quá khích năm 1978.
Tác phẩm của đạo diễn Gus Van Sant nhận được tám đề cử Oscar, cuối cùng giành hai giải "Kịch bản gốc xuất sắc" (Dustin Lance Black) và "Nam diễn viên chính xuất sắc" (Sean Penn). Giới phê bình ca ngợi đây là một trong những tác phẩm tiểu sử cảm động về chân dung chính trị gia đồng tính có cuộc đời thay đổi lịch sử. Chứa các cảnh "nóng" đồng tính và bạo lực, phim được dán nhãn dành cho người xem từ 17 tuổi trở lên.
6. Brokeback Mountain (2006)
Tác phẩm của Lý An nói về chuyện tình giữa hai chàng cao bồi nước Mỹ thập niên 1960. Phim không chỉ là thiên tình yêu đồng tính kinh điển của màn bạc mà còn được giới chuyên môn nhận định là một trong số những phim xuất sắc của lịch sử điện ảnh. Hai chàng cao bồi đội mũ rộng vành mặc áo bò xanh của Heath Ledger và Jake Gyllenhaal trở thành đôi tình nhân đồng tính biểu tượng. Ra mắt năm 2005, tác phẩm có ngân sách 14 triệu USD hút khách và thu về gần 180 triệu USD.
Không chỉ lấy nước mắt khán giả toàn cầu, bộ phim của đạo diễn họ Lý còn chinh phục giới phê bình ở Liên hoan phim Venice (giành giải Sư Tử Vàng), được Viện Hàn lâm Anh và Viện Hàn lâm Mỹ trao giải BAFTA cũng như Oscar ở hạng mục "Đạo diễn xuất sắc". Tác phẩm chứa nhiều cảnh tình tứ nóng bỏng này hạn chế người xem dưới 18 tuổi.
7. Boys Don’t Cry (1999)
Những cảnh nóng, trường đoạn cưỡng bức trần trụi, cảnh bạo lực xoay quanh nhân vật chính khiến bộ phim ra mắt năm 1999 gây sốc. Ban đầu cũng vì các nhà làm phim bạo tay với cảnh sex, Hiệp hội điện ảnh Mỹ dán nhãn cấm khán giả dưới 18 tuổi nhưng sau giảm khuyến cáo xuống thành cấm khán giả dưới 17 tuổi.
Boys Don t Cry là phim tiểu sử gai góc, thô ráp và cảm động về cuộc đời một cô gái chuyển giới thành con trai, bị kỳ thị và sát hại ở tuổi 21. Mặc dù doanh thu của phim không cao, giới phê bình hồi cuối thập niên 1990 ca ngợi phim nồng nhiệt và gọi đây là một trong những phim đồng tính nữ hay nhất thời kỳ đó. Nữ diễn viên Hilary Swank vào vai chính giành giải Oscar sau đó.
8. Philadelphia (1993)
Philadelphia là một trong những phim gây sốt về đề tài đồng tính ở thập niên 1990. Đây cũng là một trong số các phim để đời của tài tử Tom Hanks, giúp anh giành giải Oscar. Cốt truyện phim kể về hành trình một luật sư đồng tính đi kiện công ty chủ quản đã sa thải sau khi phát hiện anh mắc bệnh AIDS.
Mượn cớ một vụ kiện nhưng thực chất Philadelphia là một bộ phim xoay quanh vấn đề HIV/AIDS, đồng tính luyến ái, chứng ghê sợ đồng tính và các thái độ tiêu cực đối với người LGBT.
Đặt trong bối cảnh thời gian sau đại dịch AIDS bùng nổ ở Mỹ những năm 1970, phim là một sự chất vấn nghiêm túc về AIDS và người đồng tính ở Mỹ từ thế kỷ trước. Philadelphia được giới phê bình xem là một trong những phim xuất sắc xoáy sâu vào vấn đề của một cộng đồng ngầm trong xã hội. Phim tâm lý hạn chế khán giả dưới 17 tuổi thành công ở phòng vé Bắc Mỹ và thế giới ngay sau khi ra mắt năm 1993, thu về hơn 206 triệu USD toàn cầu.
9. Happy Together (1997)
Ra mắt năm 1997, tác phẩm kể về tình yêu đồng tính do đạo diễn Vương Gia Vệ thực hiện lập tức gặt hái thành công ở hàng loạt Liên hoan phim lớn thế giới, trong đó có giải "Đạo diễn xuất sắc" ở Cannes cùng năm. Nhờ sự tham gia của tài tử Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh, phim gây sốt với người hâm mộ châu Á và được biết đến rộng rãi ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Bộ phim bị Hiệp hội điện ảnh Hong Kong dán nhãn mức ba (cấm khán giả dưới 18 tuổi) nhưng vẫn thu về doanh thu nhất định. Đây cũng là một trong những phim cuối cùng của nam diễn viên bạc mệnh Trương Quốc Vinh.
10. Maurice (1987)
Bộ phim lãng mạn của Anh là một trong những tác phẩm hiếm hoi về đồng tính gây sốt từ thập niên 1980. Chuyện phim dựa trên tiểu thuyết kinh điển cùng tên của văn sĩ E. M. Forster, kể về tình yêu của chàng trai đồng tính Maurice Hall từ hồi trung học, qua đại học tới những ngày đi làm doanh nhân ở nước Anh đầu thế kỷ 20 nhiều định kiến.
Ra mắt lần đầu ở Liên hoan phim Venice 1987, phim mang về giải Sư Tử Bạc "Đạo diễn xuất sắc" cho James Ivory. Phim được giới phê bình đồng thuận là một trong những kiệt tác màn bạc khai thác đề tài đồng tính, với những góc quay thơ mộng, bối cảnh đẹp mắt, khung hình đắt giá cùng số phận nhân vật có hoàn cảnh trớ trêu.
Theo Vũ Văn Việt (VNE)