Vấn nạn ấu dâm đang khiến dư luận trong nước lên tiếng phẫn nộ trong những ngày gần đây. Thế nhưng chủ đề “gai góc” này đã sớm được khai thác và đưa ra những bài học giáo dục trong nhiều tác phẩm phim điện ảnh nổi tiếng. Dưới đây là 10 bộ phim về đề tài ấu dâm từng gây chấn động công chúng toàn cầu.
1. Lolita (1962)
Được dàn dựng và biên kịch bởi đạo diễn "thiên tài" Stanley Kubrick, bộ phim là câu chuyện về một giáo sư đứng tuổi mê đắm sắc đẹp của Lolita, bé gái chỉ mới 14 tuổi. Dẫu tác phẩm không thật sự “dẫn chứng” trực tiếp tội ác ấu dâm, nhưng các phân cảnh mô tả suy nghĩ và tình cảm của Humbert, gã đàn ông đứng tuổi bệnh hoạn, dành cho đứa trẻ còn ở tuổi thiếu niên, vẫn khiến không ít khán giả "rùng mình". Tuy chịu vô số chỉ trích khi ra mắt năm 1962, nhưng đến nay Lolita lại được xem là một tác phẩm tâm lý tội phạm kinh điển của điện ảnh Mỹ.
2. Chinatown (1974)
Kịch bản Chinatown xoay quanh nhân vật thám tử tư Jake Gittes (tài tử gạo cội Jack Nicholson thủ vai). Anh vô tình bị “cuốn vào” một vụ án lằng nhằng với đầy mánh khóe lừa đảo, giết chóc. Nhưng rợn người hơn cả, hành trình phá án còn giúp Gittes tiếp cận một "góc khuất" của nạn ấu dâm. Cái kết buồn trong Chinatown đến nay vẫn làm người xem ray rứt, hụt hẫng.
3. The Girl Who Lives Down The Lane (1976)
Bộ phim nói về câu chuyện của Rynn Jacob (Jodie Foster thủ vai), cô bé 13 tuổi phải chịu sự “bủa vây” bởi những hành hạ tâm lý từ việc bị tấn công tinh thần lẫn thể xác. Xem xong tác phẩm, bạn có thể nhận ra The Girl Who Lives Down The Lane đặc biệt ám ảnh bởi nhân vật Rynn không hề thật sự được buông tha. Người gây sợ hãi là cô gái nhỏ với những bí mật khủng khiếp, hay nhiều kẻ bất lương khác đã buộc đứa trẻ thơ ngây phải trở thành “con quái vật” thật sự?
4. The Big Lewboski (1998)
Một nhân vật tên Jesus (Chúa Trời) lại được mô tả như kẻ đồi bại từng tấn công trẻ nhỏ, là chi tiết cực kỳ gây shock trong tác phẩm hài đả kích The Big Lewboski. Phim như một “tấn trò đời” thâm thúy, khi càng xem bạn càng thấy rõ sự châm biếm trong nội dung bộ phim. Hình ảnh gã Jesus với dáng điệu ẻo lả, kệnh cỡm, có thể là hình tượng "hoàn hảo" cho nhân cách hỗn độn và kinh khiếp của tội phạm ấu dâm.
5. Festen (1998)
Festen là một trong số các tác phẩm “bức phá” đáng khen ngợi của điện ảnh Đan Mạch của thập niên 90 thế kỷ trước. Bộ phim đã nhận được nhiều phê bình tích cực cùng giải thưởng lớn nhỏ toàn cầu. Nội dung phim xoay quanh bữa tiệc họp mặt tưởng như rất bình thường tổ chức bởi một gia đình trưởng giả giàu có. Nhưng khi mọi người trong nhà tề tựu đầy đủ, từng bí mật ghê tởm mới được hé lộ. Cuối phim, người xem có thể nhận ra sự thật chua chát: Bao nhiêu tiền tài vật chất vẫn không thể che đậy được cái kinh khiếp của những hành vi đốn mạt. Thông qua cách tiếp cận mới mẽ, Festen đã khai thác đề tài về tội ác ấu dâm cùng nạn bạo hành gia đình một cách ấn tượng.
6. The Woodsman (2004)
Liệu có tương lai tươi sáng hơn cho tội phạm ấu dâm? Bộ phim gây tranh cãi của đạo diễn Nicole Kassell đã trả lời cho câu hỏi này. Tác phẩm là câu chuyện về Walter (Kevin Bacon thủ vai), gã đàn ông vừa kết thúc bản án 12 năm tù vì hành vi xâm hại trẻ em. "Hòa nhập" lại cùng xã hội bên ngoài, tên cựu tù buộc phải đối diện với sự bỏ rơi của cộng đồng và cả ám ảnh đen tối từ tội ác ngày nào. Hình ảnh gương mặt lầm lì xám xịt của Walter, ẩn hiện trong một mạch phim nặng nề đến “khắc khoải” tới nay vẫn để lại dấu ấn khó quên với không ít khán giả.
7. Birth (2004)
Hẳn bạn sẽ thấy khá bất ngờ khi biết “biểu tượng sắc đẹp” nước Úc Nicole Kidman từng tham gia một tác phẩm kỳ lạ gián tiếp ám chỉ hành vi ấu dâm. Birth xoay quanh chủ đề về kiếp sau, khi một bé trai 10 tuổi ngày nọ bỗng đến nhận mình chính là người chồng đã chết của góa phụ trẻ Anna (Kidman thủ vai). Dù không gây khó chịu bởi bất kỳ phân cảnh phản cảm nào, bộ phim lại dễ khiến bạn ngờ vực về “ranh giới” tội lỗi trong mỗi con người.
8. Hard Candy (2005)
Hayley Stark, một bé gái 14 tuổi tìm gặp gã thợ chụp ảnh với bề ngoài hào hoa Jeff Kohlver. Trong không khí vui vẻ, Jeff đề nghị Hayley cùng về nhà, để rồi cuối cùng gã đàn ông bị chính cô bé tưởng như "chân yếu tay mềm" này hành hạ và trừng phạt vì hành vi đồi bại trong quá khứ.
Nếu bạn băn khoăn về bộ phim indie (phim độc lập kinh phí thấp) đáng nhớ nào nói về tội ác ấu dâm thì đề cử nổi bật chính là Hard Candy. Tác phẩm tâm lý kinh dị của hãng Lionsgate từng nhận nhiều luồng phê bình trái chiều. Nhưng hệt như ẩn ý trong tựa đề, nội dung bộ phim sẽ khiến bạn ít nhiều dằn vặt.
9. Precious (2009)
Tác phẩm chính kịch với cốt truyện xuất sắc này từng “đại thắng” tại lễ trao giải Oscar 2010. Đề tài ấu dâm phản ánh qua bộ phim kể về quá khứ của nữ chính, cô gái trẻ mù chữ Claireece Precious Jones (Gabourey Sidibe thủ vai). Từng bị chính cha ruột cưỡng hiếp từ khi còn nhỏ, Precious sống cuộc đời nghèo khổ cùng mẹ và hai đứa trẻ mà cô bất đắc dĩ sinh ra. Nghịch cảnh cũng như mong ước về tương lai tươi sáng hơn của cô gái da màu được khắc họa xúc động khiến nhiều khán giả suy ngẫm rất lâu sau khi xem phim.
10. Spotlight (2015)
Spotlight là bộ phim dạng tiểu sử tội phạm thuật lại “cuộc chiến” có thật của nhóm cây bút tâm huyết tại tòa soạn tờ Boston Globe của Mỹ. Năm 2003, họ đã vạch trần thành công scandal xâm hại trẻ em gây chấn động diễn ra suốt 30 năm tại cộng đồng Thiên chúa giáo bản địa. Quan sát hành trình phá án vốn dựa trên rất nhiều sự kiện đau lòng có thật, bạn có thể hiểu về cách tội ác ấu dâm “núp bóng” dưới cánh cổng tôn giáo và nguyên nhân vì sao nước Mỹ lẫn thế giới cần nhiều hơn những người tâm huyết như nhóm nhà báo tại Boston Globe. Cốt truyện chuyển thể cuốn hút, sống động giúp Spotlight dành được hơn 130 đề cử điện ảnh với 2 giải vàng quan trọng ở Oscar 2016.
Bất kể gián tiếp gợi nhắc hay trực tiếp mô tả, các tác phẩm điện ảnh này đã “dũng cảm” đi sâu vào tội ác gây nhức nhối như nạn ấu dâm, khiến người xem trăn trở, phẫn nộ. Nhưng không như một bộ phim với cái kết là sự trừng phạt xứng đáng cho kẻ thủ ác, ngoài đời thực, thứ hành vi đồi bại này vẫn đang ngày một “nhuốm đen” đạo đức xã hội.
Như Ý