Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng vào năm 1933, chú khỉ đột khổng lồ Kong đã trở thành 1 trong trong những quái vật biểu tượng của lịch sử điện ảnh. Ngoài ra, nó cũng phản ánh nhiều vấn đề trong xã hội Mỹ vào thời điểm bấy giờ.

5 bộ phim làm nên lịch sử 84 năm của King Kong trên màn ảnh

13/03/2017, 07:04

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng vào năm 1933, chú khỉ đột khổng lồ Kong đã trở thành 1 trong trong những quái vật biểu tượng của lịch sử điện ảnh. Ngoài ra, nó cũng phản ánh nhiều vấn đề trong xã hội Mỹ vào thời điểm bấy giờ.

King Kong (1933)

King Kong được sản xuất bởi RKO Pictures - một trong 5 studio lớn nhất vào thời điểm đó, và dựa trên ý tưởng ban đầu về một con khỉ đột khổng lồ của đạo diễn Merian C. Cooper và Edgar Wallace. Công chiếu vào giai đoạn đầu của thời kì Đại suy thoái tại Mỹ, bộ phim đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng khi thu về 2,8 triệu USD tiền vé (so với kinh phí 672,000 USD). Các nhà phê bình nghệ thuật thì hết lời ca ngợi. Trang Rotten Tomatoes đã bình chọn King Kong là "Bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại" và đứng thứ 20 trong danh sách "Những bộ phim hay nhất từ trước đến nay".

Trong bối cảnh Hollywood vẫn đang ở thời kì phim câm thì việc sử dụng công nghệ stop-motion (dừng-chuyển động) của King Kong đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho kĩ thuật làm phim. Năm 1991, Viện phim Mỹ đã chọn lưu trữ King Kong bởi tính quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ của nó.

Cảnh khỉ Kong leo lên tòa nhà chọc trời Empire State đã trở thành một hình ảnh kinh điển tại Hollywood.

Tuy nhiên, King Kong cũng đã vấp phải không ít chỉ trích. Nhiều khán giả cho rằng hình ảnh khỉ Kong là nhằm ám chỉ người da đen vốn thường xuyên bị miêu tả là "những con khỉ đột đen đúa" vào đầu thế kỷ 20. Cộng thêm hành động bắt cóc và yêu thương một người phụ nữ da trắng của Kong, bộ phim đã bị lên án dữ dội từ cộng đồng người da màu. Merian C. Cooper và Edgar Wallace sau đó đã phủ nhận mọi cáo buộc. Họ khẳng định không có bất kì ý nghĩa ẩn dụ nào đằng sau bộ phim.

King Kong vs. Godzilla

Nhằm kỉ niệm 30 năm ngày ra mắt King Kong, hãng RKO Pictures đã chuyển nhượng bản quyền nhân vật Kong cho hãng phim Toho của Nhật Bản. Cùng với sự trợ giúp của Willis O Brien - nhân viên kĩ thuật từ phiên bản gốc, King Kong vs. Godzilla đã chính thức được công chiếu vào năm 1962. Đây là bộ phim thứ 3 về quái vật Godzilla và cũng là phần thành công nhất.

King Kong vs Godzilla sau đó đã thu về 1,25 triệu USD tiền vé, cao gấp 6 lần kinh phí bỏ ra. Bộ phim cũng sở hữu một lượng fan khổng lồ ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương. Chính vì thế, hãng Toho đã công bố ngay phần tiếp theo mang tên Continuation: King Kong vs. Godzilla và không ngần ngại bày tỏ mong muốn làm thêm nhiều phần nữa. Đáng tiếc, hãng RKO Pictures đã thẳng thừng từ chối.

King Kong (1976)

Năm 1976, hãng Paramount Pictures quyết định làm lại phiên bản gốc từ năm 1933 và giao cho John Guillermin đạo diễn. Nhờ vào những cải thiện vượt bậc về mặt kỹ thuật mà bộ phim đã nhận được 3 đề cử Oscar và mang về tượng vàng cho hạng mục "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất".

Bên cạnh sự tham gia diễn xuất của nam tài tử Jeff Bridges, King Kong còn là bộ phim điện ảnh đầu tay của Jessica Lange (sinh năm 1949) trong vai Dwan. Nữ diễn viên huyền thoại Meryl Streep từng chia sẻ rằng bà có đi ứng tuyển cho vai Dwan vào năm 1975 thế nhưng lại bị Dino De Laurentiis, nhà sản xuất của bộ phim, nhận xét là "quá xấu xí".

Sở hữu ngân sách 24 triệu USD, King Kong sau đó thu về 90 triệu USD (tương đương khoảng 374 triệu USD hiện nay). Thành công quá lớn của bộ phim đã dẫn đến sự ra đời của phần tiếp theo, King Kong Lives, cũng do John Guillermin đạo diễn vào năm 1986. Mặc dù vậy, King Kong Lives đã thất bại thảm hại và khiến cho nhà sản xuất thất thoát hàng chục triệu USD.

King Kong (2005)

Đây cũng là một bộ phim làm lại từ phiên bản gốc năm 1933 với nội dung gần như tương tự. Lần này, Peter Jackson - đạo diễn của loạt phim The Lord of The Rings nổi tiếng - đảm nhận cả 3 vai trò đồng biên kịch, đồng sản xuất và đạo diễn. Dàn diễn viên chính gồm toàn ngôi sao hạng A như Adrien Brody, Jack Black và Naomi Watts.

Peter Jackson đã sử dụng công nghệ mô phỏng động tác loài vật (motive-capture) tiên tiến nhất để cho ra đời một khỉ Kong giống thật hơn bao giờ hết. Trong phiên bản lần này, khỉ Kong đi bằng 4 chân thay vì 2 chân và do tài tử Andy Serkis đóng thế.

Ban đầu, kinh phí dự trù cho dự án chỉ vào khoảng 150 triệu USD nhưng sau đó lại đội lên đến 207 triệu USD, một con số khổng lồ. Nó khiến cho hãng Universall buộc phải lo ngại về khả năng thu hồi vốn của bộ phim. Kết quả, King Kong đã lọt vào Top 5 những bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất thế giới năm 2005 với 550 triệu USD. Đó là chưa tính khoản thu trị giá hơn 200 triệu USD từ việc bán và cho thuê DVD.

Kong: Skull Island

Kong: Skull Island tiếp tục dựa trên câu chuyện gốc nhưng lại được đặt trong vũ trụ điện ảnh MonsterVerse của hãng phim Legendary, sau bộ phim Godzilla (2014). Bộ phim do Jordan Vogt-Roberts đạo diễn và có sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên vừa đoạt giải Oscar Brie Larson cùng dàn ngôi sao như Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson, John Goodman...

Nội dung của Kong: Skull Island xoay quanh một tổ chức bí mật có tên là Monarch. Năm 1971, tổ chức này phát hiện ra một hòn đảo bí ẩn tại Thái Bình Dương. Nó chưa từng xuất hiện trên bản đồ và được xác định là nơi ở của nhiều loài sinh vật lạ. Bất chấp những lời cảnh báo từ dân đia phương, đoàn thám hiểm đã đi sâu vào hòn đảo và phát hiện ra Kong - một con khỉ đột khổng lồ. Tại đây, họ bị mắc kẹt giữa một cuộc chiến giữa những loài quái vật to lớn vốn đã kéo dài từ rất lâu.

Với kinh phí 190 triệu USD, Kong: Skull Island là một trong những bom tấn lớn nhất của hãng Warner Bros trong năm nay. Bộ phim đặc biệt được yêu thích tại Việt Nam do đoàn làm phim đã sử dụng nhiều tỉnh phía Bắc để làm bối cảnh chính trong phim như quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), 3 địa điểm ở Quảng Bình và vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh.

Phần tiếp theo mang tên Godzilla vs Kong dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 29.5.2020.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
11 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 bộ phim làm nên lịch sử 84 năm của King Kong trên màn ảnh