Phim ảnh và du lịch tưởng chừng là 2 khái niệm hoàn toàn tách biệt nhưng lại có thể liên kết với nhau do nhu cầu phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ 7 trong thời gian gần đây. Đôi khi, sự thành công của một bộ phim có thể thúc đẩy nền kinh tế của một quốc gia rộng lớn.

Những quốc gia từng hưởng lợi từ các bộ phim bom tấn của Hollywood

15/03/2017, 06:29

Phim ảnh và du lịch tưởng chừng là 2 khái niệm hoàn toàn tách biệt nhưng lại có thể liên kết với nhau do nhu cầu phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ 7 trong thời gian gần đây. Đôi khi, sự thành công của một bộ phim có thể thúc đẩy nền kinh tế của một quốc gia rộng lớn.

Có rất nhiều lý do để các nhà làm phim của Hollywood quyết định ghi hình tại những quốc gia khác thay vì Mỹ hay ở studio. Bên cạnh yếu tố mới mẻ, họ còn thu lợi rất nhiều từ sự hợp tác của chính phủ địa phương nhằm giảm chi phí sản xuất.

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức Tourism Competitive Intelligence vào năm 2012, 10% khách du lịch quốc tế (khoảng 40 triệu người) lựa chọn địa điểm du lịch dựa trên bộ phim yêu thích của họ. Hollywood hiểu rõ sức ảnh hưởng này cho nên các nhà sản xuất đã rất cẩn thận trong việc lựa chọn địa điểm quay cho những bộ phim bom tấn của mình. Và dưới đây là 4 quốc gia đã có được những thương vụ thành công nhất với Hollywood trong quá khứ.

Braveheart

Hầu hết những phân đoạn chiến đấu trong Braveheart đều được quay tại Ireland với sự tham gia hỗ trợ của quân đội nước này. Bên cạnh đó, ê kíp cũng đã bỏ ra gần 6 tuần tại Scotland để mang đến cho khán giả những thước phim đẹp đến nao lòng.

Công chiếu vào năm 1995, Braveheart đã thu về 210 triệu USD tiền vé trên toàn thế giới (so với kinh phí 72 triệu USD). Ngoài ra, bộ phim còn chiến thắng 5 tượng vàng Oscar trong số 10 đề cử, bao gồm hạng mục "Phim hay nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất" (cho Mel Gibson).

Một năm sau, số lượng du khách đến Scotland tăng đột biến lên 300%. Và 55% trong số đó cho biết họ đã xem qua Braveheart.

Trong số những du khách đã xem Braveheart, 39% nói rằng bộ phim ảnh hưởng một phần đến quyết định của họ và 19% thừa nhận bộ phim là nguyên nhân chính cho chuyến tham quan. Cùng năm đó, một báo cáo du lịch cũng cho thấy "hiệu ứng Braveheart" đã mang về cho ngành du lịch Scotland khoản thu 25 triệu USD.

Chưa dừng lại ở đó, Braveheart còn giúp cho Scotland trở thành một lựa chọn lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất khác tại Hollywood trong tương lai.

Mamma Mia!

Ban đầu, Mamma Mia! chỉ là một dự án phim nhỏ với kinh phí khá khiêm tốn là 52 triệu USD mặc dù sở hữu dàn diễn viên hạng A và dựa trên các bài hát của ban nhạc huyền thoại ABBA. Sau khi công chiếu, Mamma Mia! đã bất ngờ trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử tại Anh (vượt mặt Titanic) và mang về 610 triệu USD cho hãng Universal. Đó là chưa tính đến khoản thu hàng trăm triệu USD từ việc bán album nhạc phim và DVD.

Mamma Mia! được làm lại từ vở nhạc kịch cùng tên của sân khấu Broadway và có sự tham gia diễn xuất của dàn ngôi sao ăn khách Meryl Streep, Pierce Brosnan, Colin Firth, Amanda Seyfried...
Album nhạc phim của Mamma Mia! đã đứng No.1 tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Canada và Úc. Tính đến 2017, album này đã bán được 5 triệu bản

Thành công bất ngờ của Mamma Mia! đã giúp cho đảo Skopelos - địa điểm ghi hình bộ phim - xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới. Nhiều hãng hàng không đã xác nhận rằng số lượng du khách đến đây tăng mạnh ngay sau khi bộ phim được công chiếu vào năm 2008.

Skopelos được xem là hòn đảo xanh nhất Hy Lạp. Bên cạnh bờ biển dài 17km và rộng 8km, 50% diện tích của đảo còn được bao bọc bởi 5 triệu cây thông và hơn 50 nghìn cây ô liu với dân số khoảng 6.000 người. Các khu rừng tự nhiên cũng góp phần làm mát khí hậu của đảo. Chính vì thế, sau khi xem Mamma Mia!, ai cũng muốn đắm mình trên bãi biển đầy nắng giống như nhân vật Sophie hay bước trên những con đường sỏi dẫn đến các nhà thờ cổ bằng đá trên nền nhạc sôi động của ABBA.

Mặc dù vậy, nhiều người dân tại đảo Skopelos đã bày tỏ sự khó chịu của mình trước ảnh hưởng của Mamma Mia! mang lại. Họ cho rằng hòn đảo này quá nhỏ và rất dễ bị hủy hoại bởi lượng du khách đổ về ngày càng nhiều, theo Daily Mail đưa tin.

"Skopelos quan trọng hơn Mamma Mia! rất nhiều. Chúng tôi không muốn hòn đảo của mình thay đổi chỉ vì bộ phim. Chúng tôi có văn hóa, lịch sử và sự tự hào riêng. Một bộ phim đến và đi nhưng chúng tôi mong rằng hòn đảo của mình có thể duy trì mãi như thế", thị trưởng Hristos Vasiloudis của đảo Skopelos cho biết.

Harry Potter

Trước đây, có không ít bộ phim từng được quay tại Anh thế nhưng chẳng có dự án nào có thể so sánh với Harry Potter về độ lan tỏa. Dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên ăn khách của J.K. Rowling, đây là loạt phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Với kinh phí 1,1 tỉ USD cho 8 phần, loạt phim Harry Potter đã gom về 8,7 tỉ USD tiền vé trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của thương hiệu Harry Potter không dừng lại khi loạt phim đã kết thúc như nhiều phim khác. Thay vào đó, lượng fan trung thành của phim ngày càng gia tăng theo thời gian do nhà văn Rowling vẫn tiếp tục sáng tác về thế giới phù thủy của bà.

Vốn là một người Anh, nhà văn Rowling đã yêu cầu hãng Warner Bros. phải ghi hình toàn bộ loạt phim tại Anh. Chính vì thế, không hề ngạc nhiên khi nền kinh tế của quốc gia này đã hưởng lợi rất nhiều từ cậu bé phù thủy Harry Potter. Cụ thể, hãng Warner Bros. đã mua lại Leavesden Studio, nơi mà tất cả 8 phần phim Harry Potter được thực hiện, và kèm theo đó hàng tỉ USD tiền đầu tư. Ngành du lịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc kể từ phần đầu tiên công chiếu vào năm 2000.

Rất nhiều fan của Harry Potter từ khắp nơi trên thế giới đã đến tham quan những địa điểm từng xuất hiện trong phim như sân ga King s Cross (nơi xe lửa của trường Hogwarts đậu), khu chợ Leadenhall (nơi ghi hình Hẻm Xéo), tòa lâu đài Alnwick (trường Hogwarts trong 2 phần đầu)... Ước tính, thương hiệu Harry Potter đã mang về cho nền du lịch nước Anh và Scotland hàng tỉ USD mỗi năm.

Năm ngoái, hãng Warner Bros. đã đưa thế giới phù thủy của Rowling quay trở lại màn ảnh rộng với bộ phim Fantastic Beasts and Where to Find Them kèm theo lời hứa về 4 phần tiếp theo. Cơn sốt mang tên Harry Potter lại một lần nữa trỗi dậy và được dự đoán sẽ kéo dài thêm 1 thập kỷ.

The Lord of the Rings và The Hobbit

Có thể nói, chưa từng có ngành du lịch của quốc gia nào được hưởng lợi nhiều như New Zealand với loạt phim The Lord of the RingsThe Hobbit. Loạt phim dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn J.R.R Tolkien đã ngốn hết của hãng Warner Bros. hơn 1 tỉ USD để sản xuất nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng. Tổng doanh thu từ 6 phần phim đã cán mốc 6 tỉ USD trên toàn thế giới. Đó là chưa tính đến những khoản lợi từ các dịch vụ ăn theo như bán DVD, đồ lưu niệm, trò chơi điện tử...

Cảnh quan thiên nhiên của New Zealand thông qua bàn tay ma thuật của đạo diễn Peter Jackson đã trở thành một vùng đất ma thuật hùng vĩ và đẹp đẽ vượt trên cả khả năng miêu tả của ngôn từ. Không có bất kỳ ai từng xem qua loạt phim mà có thể quên đi khung cảnh yên bình của làng Hobbit cũng như những thảo nguyên xanh rì, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt nhất giữa 2 phe con người và chúa tể bóng đêm Sauron.

Gregg Anderson, tổng giám đốc của tổ chức Tourism New Zeland, cho biết: "Kể từ khi The Lord of the Rings công chiếu phần đầu tiên vào năm 2001, chúng tôi đã chứng kiến số lượng du khách đến New Zealand tăng đến 50%. Cụ thể, 1% trong số đó cho rằng loạt phim là lý do họ đến thăm nước này. Tuy nhiên, 1% thì chỉ tương đương 27 triệu USD mỗi năm mà thôi. Điều thú vị nhất là ở việc 80% du khách được hỏi trả lời rằng họ biết The Lord of the Rings và The Hobbit được quay ở New Zealand. Đó mới chính là yếu tố quan trọng".

Hiện tại, du lịch là ngành công nghiệp lớn thứ 2 tại New Zealand sau sản xuất sữa.

Trên thực tế, du lịch không phải là ngành công nghiệp duy nhất được thúc đẩy bởi The Lord of the Rings. Những hãng phim do Peter Jackson thành lập hoặc đồng sở hữu như Weta Workshop, Stone Street Studios, Park Road Post Production... cũng đã tạo ra 2.700 việc làm cho đảo quốc này.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những quốc gia từng hưởng lợi từ các bộ phim bom tấn của Hollywood