Năm 2018 đánh dấu sự chuyển mình mới mẻ của ngành Y tế, thước đo cho sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Y trong năm nay chính là bộ mặt của các bệnh viện đã thay đổi, người dân hài lòng khi đến viện.

10 sự kiện đáng quan tâm của ngành Y tế năm 2018

Hải Yến | 27/12/2018, 11:36

Năm 2018 đánh dấu sự chuyển mình mới mẻ của ngành Y tế, thước đo cho sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Y trong năm nay chính là bộ mặt của các bệnh viện đã thay đổi, người dân hài lòng khi đến viện.

Báo điện tử Một Thế Giới điểm lại 10 thay đổi lớn cũng như những sự kiện của ngành Y tế trong suốt 1 năm vừa qua, được dư luận quan tâm.

Lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân

Ngày 16.3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thông báo đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não lần đầu tiên tại Việt Nam. Được biết nguồn tạng là một người đàn ông 45 tuổi bị chết não, gia đình đồng ý hiến tạng.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép phổi, ghép một quả thận và ghép giác mạc cho bốn bệnh nhân. Trong đó riêng trái tim và quả thận còn lại được bảo quản, vận chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bộ Y tế cấp phép nhập vắc xin 6 trong 1 thế hệ mới vào Việt Nam

Lần đầu tiên vắc xin dạng hỗn hợp bơm sẵn trong kim tiêm Hexaxim thế hệ mới của Sanofi Pasteur phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và Hib vừa được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào tiêm tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Lễ ra mắt vắc xin Hexaxim tại Trung tâm tiêm chủng VNVC

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vắc xin này được lưu hành từ năm 2013. Trước khi về Việt Nam, vắc xin này đã được kiểm nghiệm lâm sàng và được Bộ Y tế cấp phép. Theo đó vắc xin Hexaxim đã thử nghiệm lâm sàng trên 345 trẻ từ 34 đến 91 ngày tuổi.

Năm đầu tiên Việt Nam chuyển đổi vắc xin Quinvaxem sang sử dụng vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Do nhà sản xuất tại Hàn Quốc ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng vắc xin ComBE Five có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương đương vắc xin Quinvaxem.

Đây là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc xin này do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, vắc xin đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết

Ngày 8.10.2018, tại Manila, Philipines, trong Kỳ họp lần thứ 69 khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã trao chứng nhận công nhận Việt Nam loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, nâng tổng số quốc gia đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên 11 nước.

Tại Việt Nam, bệnh giun chỉ bạch huyết đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh. Bệnh do một số loại giun chỉ bạch huyết gây nên và được lây truyền bởi muỗi rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng và ẩm.

50 người trong một xã được phát hiện nhiễm HIV

Xuất phát từ sự việc có một số người bị phát hiện nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn cuối, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành các xét nghiệm sàng lọc và phát hiện 50 người tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ dương tính với HIV, trong đó có cả em bé 18 tháng tuổi.

Sự việc càng trở nên chấn động hơn khi nhiều người nghi ngờ bệnh HIV từ một y sĩ đã cho người bệnh dùng chung kim tiêm. Bộ Y tế thì lại khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác từ đâu.

Người dân nhiễm HIV tại xã Kim Thượng từng hoang mang khi biết mình nhiễm bệnh nhưng giờ đã ổn định tâm lý, yên tâm điều trị

Xét xử vụ chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình

Ngày 7.5, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 9 bệnh nhân thiệt mạng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, do luật sư liên quan vụ án vắng mặt nên phiên tòa phải tạm hoãn.

Đến 15.5, phiên xét xử được mở lại và kéo dài liên tục trong 12 ngày và 5 ngày nghị án, nhưng TAND thành phố Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề.

Sáng 24.8, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương (Nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khánh thành bệnh viện nhi hiện đại nhất miền Nam

Đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đồngthành phốtại huyện Bình Chánh, TP HCM, chính thức hoạt động với các dịch vụ khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện có bãi đáp trực thăng, sân chơi trẻ em rộng rãi, khu lây nhiễm tách biệt.

Đây là bệnh viện nhi đầu tiên phía Nam được trang bị hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Bệnh viện có tổng mức đầu tư trên 4.500 tỉđồng từ nguồn vốn nhà nước. Với quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố góp phần giảm quá tải cho Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2.

Một góc của bệnh viện Nhi đồng thành phố

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt tới gần 90%

Tính đến ngày 31.12.2018, trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 87,5% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28.6.2016, đến năm 2018 đạt 85,2% dân số) và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2018.

Bắt 2 nhân viên y tế làm giả bệnh án tâm thần

Tháng 8.2018, "bệnh nhân" Lê Thành Tùng (32 tuổi sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gây ra vụ án cố ý gây thương tích. Tuy nhiên khi các cơ quan điều tra, đối tượng đã xuất trình bệnh án với kết luận "tâm thần phân liệt cơ thể hoang tưởng" giả mạo. Qua thời gian điều tra, cơ quan cảnh sát đã xác định Tùng dùng số tiền 85 triệu đồng để có được hồ sơ bệnh án tâm thần giả mạo trên.

2 nhân viên y tế đã bị cơ quan bắt giữ là bác sĩ Thân Thái Phong - Phó trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn - Khoa dinh dưỡng đã làm hồ sơ cho Tùng. Ngay sau đó công an thành phố Hà Nội đã rà soát lại 94 hồ sơ của bệnh viện đã điều trị tại bệnh viện để tiến hành điều tra.

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc

Tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, cụ thể: đã phối hợp với Tổng công ty viễn thông Viettel và các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc; đã cấp tài khoản cho 15.178 cơ sở bán lẻ thuốc; đã có 2.787 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý; chuẩn hóa được 55.000/ 60.000 danh mục thuốc y tế.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện đáng quan tâm của ngành Y tế năm 2018