Những nghiên cứu thành công về vi rút SARS-CoV-2, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên, ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi... là các sự kiện KH-CN nổi bật tại Việt Nam trong năm qua.
Chiều 23.12, CLB Nhà báo KH-CN Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2020 tại Việt Nam.
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Ngày 3.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Trong đó, về phát triển chính phủ số, các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của hương trình là: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...
2. Những nghiên cứu thành công về vi rút SARS-CoV-2
Ngày 7.2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố việc nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Thành công này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 5.3, Bộ KH-CN đã công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm realtime RT PCR phát hiện SARS-CoV-2. Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kít chẩn đoán SARS-CoV-2.
3. Bàn giao bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam
Ngày 12.11, Bộ KH-CN tổ chức lễ tiếp nhận bảo thảo Bộ Lịch sử Việt Nam. Đây là sản phẩm của đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” được thực hiện từ năm 2015, gồm 25 tập Thông sử và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử. Đề án được thực hiện bởi gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Huế và TP.HCM.
Sau khi tiếp nhận bản thảo, Bộ KH-CN sẽ tổ chức thẩm định chuyên gia, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc đề án. Các đề tài tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học, đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên, để bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử trước khi đưa vào biên tập xuất bản.
4. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên
Ngày 17.1, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm.
5. Ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi
Ngày 18.4, nền tảng ứng dụng Bluezone đã chính thức ra mắt. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị bluetooth năng lượng thấp BLE. Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng này thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ.
Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).
Theo ông Nguyễn Tử Quảng (CEO Bkav), ứng dụng này không thu thập vị trí. Người dùng Bluezone cũng sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Bên cạnh đó, nhà phát triển Bluezone cũng sẽ minh bạch bằng cách cung cấp bộ mã nguồn mở.
Ngoài ra, danh sách 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2020 tại Việt Nam còn bao gồm: xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu; hoàn thành kè bảo vệ hồ Hoàn Kiếm công nghệ bê tông cốt phi kim thành mỏng, khối rỗng liên kết module; các nhà khoa học Việt Nam tham gia một thí nghiệm được công bố trên Nature; phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền vùng chậu; PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh nhận Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2020.