Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2021 cũng ít nhiều liên quan đến công tác phòng chống dịch.

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021

Lam Thanh | 27/12/2021, 18:30

Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2021 cũng ít nhiều liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Một Thế Giới xin giới thiệu 10 sự kiện sự kiện kinh tế - chính trị - xã hội nổi bật năm 2021.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng diễn ra từ 25.1 đến 1.2, tại Thủ đô Hà Nội, với 1.500 đại biểu tham dự. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Bí thư Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư.

sk1.jpg

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Ngày 23.5, gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu - đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, trong đó 1 đại biểu không được xác nhận tư cách đại biểu trúng cử. Do đó, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.

sk2.png

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 20.7, Quốc hội khóa 15 họp kỳ thứ nhất, bầu và phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát

Ngày 27.4, sau nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, Yên Bái bất ngờ ghi nhận 1 người là lễ tân khách sạn lây nhiễm COVID-19 từ đoàn khách Ấn Độ cách ly tập trung tại đó. Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đợt dịch thứ 4 bắt đầu tấn công các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành và đặc biệt những tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… chịu ảnh hưởng nặng nề.

sk3.png
Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch

Đây cũng là đợt dịch khốc liệt nhất. Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23.12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước. Cả nước đã phải điều động 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào nam hỗ trợ chống dịch.

Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 26.11, WHO đưa biến thể mới Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại. Biến thể Omicron được xác định vào ngày 25.11 ở Nam Phi. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải xem như biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam để có phương án ứng phó phù hợp.

Chuyển hướng chống dịch với Nghị quyết 128

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 chưa thống nhất từ Trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau đã dẫn đến các chuỗi cung ứng (cả trong nước và quốc tế) bị đứt gãy. Việc thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến” một cách cứng nhắc ở một số nơi đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn, ở cho công nhân. Đáng chú ý, các chuỗi cung ứng đều gặp khó khăn vì thiếu lao động…

sk4.jpg
Nghị quyết 128 thay đổi chiến lược chống dịch

Với biến chủng mới, Việt Nam đã phải chuyển hướng trong chiến lược chống COVID-19 từ “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị” và 5K - áp dụng hiệu quả trong 3 đợt dịch trước đó, sang “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng với 3 trụ cột: cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong)”.

Đặc biệt, xác định "không thể cách ly, phong tỏa mãi", ngày 11.10, Việt Nam chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chiến lược mới đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển hướng chống dịch này đã góp phần quan trọng cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Lần đầu tiên GDP tăng trưởng âm

Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý 3.2021, GDP giảm 6,17%). Quý 3 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Hai trong ba trụ cột chính để tính GDP gồm công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều "ngấm đòn" nặng nề khi hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

sk5.jpg
Lần đầu tiên GDP tăng trưởng âm

Ngoài ra, dưới tác động của dịch, hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong quý 3, tăng đến nửa triệu so với quý 2. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế.

Thêm vào đó, trong 11 tháng năm 2021, có 106.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54.400 doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc nhất lịch sử

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử tại Việt Nam được triển khai từ tháng 7.2021 tới tháng 4.2022. Đến nay, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vắc xin liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021: 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.

sk6.jpg
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc nhất lịch sử

Để thực hiện công tác tiêm chủng, chiến lược ngoại giao vắc xin có ý nghĩa rất lớn, đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. Từ nước tiếp cận vắc xin COVID-19 chậm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu và sản xuất vắc xin của riêng mình.

Việt Nam cũng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Quá trình triển khai tiêm chủng xảy ra một số vụ tai biến sau tiêm. Tuy nhiên theo các cơ quan y tế, nguyên nhân dẫn đến những diễn biến nặng của các bệnh nhân là phản vệ do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vắc xin COVID-19, không do chất lượng vắc xin hay thực hành tiêm chủng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 15.12 (chậm nhất đến 31.12) phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tích cực triển khai có lộ trình để hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Đồng thời, đảm bảo đủ vắc xin tiêm mũi 3 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên (phấn đấu trước tháng 6.2022); kiến nghị kịp thời việc tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Làn sóng lao động hồi hương lớn nhất lịch sử

Sau thời gian kiệt sức chống chọi với đại dịch, từng dòng người chạy xe máy, đi xe đạp, thậm chí đi bộ, mang theo con nhỏ và tư trang vượt cả nghìn cây số hướng về quê nhà.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng COVID-19 lần thứ tư, tính từ tháng 7 đến 15.9.

Trong số 1,3 triệu lao động nêu trên, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.

sk7.jpg
Làn sóng lao động hồi hương lớn nhất lịch sử

Đợt một diễn ra vào tháng 7, ngay trước khi TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó có nhiều lao động tự do thời vụ, đặc biệt là người miền Tây đã trở về quê khi nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa. Với làn sóng thứ hai bắt đầu từ 1.10, những người về phần đông là công nhân nhà máy, công xưởng.

Hàng chục triệu học sinh không thể tới trường

Hàng triệu học sinh không thể đến trường vì dịch COVID-19. Lần đầu tiên ngành giáo dục phải dự phòng cả phương án dạy học từ xa trong 75% thời gian của năm học. 

Thời gian đầu, do việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học.

sk8.jpg
Học sinh phải học trực tuyến do đại dịch COVID-19

Ngoài ra, số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập cần được hỗ trợ là hơn 2,1 triệu học sinh. Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ở quy mô toàn quốc, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Bộ GD-ĐT do đó cũng đã xây dựng chương trình học tập thích hợp với bối cảnh mới, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng học trực tuyến tầm quốc gia với kho học liệu lớn, chuẩn bị cho việc đa dạng hóa hình thức đào tạo…

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại

Ngày 6.11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho Hà Nội quản lý. Từ ngày 21.11, hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải mua vé lượt từ 8.000 đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng và vé tháng 200.000 đồng. Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

sk9.jpg
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thương mại

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỉ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần chậm tiến độ nên việc tuyến đường này vận hành thương mại đã thu hút sự chú ý khá lớn từ công chúng. 

Doanh nghiệp sản xuất kit test Việt Á bị khởi tố

Ngày 18.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương).

sk10.jpg
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á

Điều tra ban đầu xác định, tháng 4.2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 và doanh nghiệp đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Ông Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng; sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu.

Để được cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Việt Á đề nghị, ông Việt còn thỏa thuận chi cho lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, ông Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021