Liên quan đến vụ Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Bộ Y tế và CDC các tỉnh.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Y tế và CDC các tỉnh trong vụ Việt Á

Lam Thanh | 27/12/2021, 18:10

Liên quan đến vụ Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Bộ Y tế và CDC các tỉnh.

Ngày 27.12, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa 9).

Vận động ủng hộ phòng chống dịch gần 22.000 tỉ đồng

Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2021 cho biết, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện vai trò nòng cốt trong vận động, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tính từ ngày 1.5 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 lên tới trên 21.970 tỉ đồng. Trong đó, thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 13.170 tỉ đồng; qua Quỹ vắc xin là 8.800 tỉ đồng.

mttq.jpg
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa 9)

Từ số kinh phí và hiện vật vận động được đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vắc xin phòng COVID-19 số tiền 19.365 tỉ đồng; đã phân bổ 3.998.177 phần quà đại đoàn kết và túi quà an sinh, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch… với trị giá là 11.694 tỉ đồng; Quỹ vắc xin đã chi 7.671 tỉ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tính đến ngày 30.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 4.467 tỉ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được 1.146 tỉ đồng…

Hoạt động giám sát phải làm đến nơi đến chốn

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị, trong năm 2022, không nên chỉ dừng giám sát, phản biện trên báo cáo như hiện nay mà nên làm có trọng tâm trọng điểm.

“Hoạt động giám sát, phản biện của mặt trận không cần làm nhiều mà nên tập trung chọn 1-2 vụ trọng điểm và làm đến nơi đến chốn, đến tận nơi để giám sát, phản biện thực sự ra vấn đề, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân”, ông Túc nói.

Ông Trần Hoàng Thám cho rằng, thực tế hiện nay các vấn đề sai phạm và xử lý sai phạm chủ yếu nằm ở quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Gần như những vụ án liên quan đến thất thoát tiền của Nhà nước hàng năm đều xoay quanh vấn đề này.

Do đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cần xác định nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm cả giám sát, phản biện những vấn đề cần thiết như hoạch định chính sách, có chủ trương trên lĩnh vực đất đai để chủ động khép lại dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm.

“Hiện nay, Trung ương Đảng có sự đổi mới và tập trung nhiều trong cải cách tư pháp về công tác xét xử. Nên chăng hoạt động giám sát của Mặt trận cũng lưu ý đến lĩnh vực này để giúp cho các cơ quan tư pháp tổ chức xét xử công minh, khách quan hơn? Điều này vừa ngăn chặn được sai phạm trong tổ chức xét xử, thi hành án hiệu quả, từ đó việc thực hiện cải cách tư pháp xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới sẽ hiệu quả hơn”, ông Trần Hoàng Thám nói.

Về trọng tâm công tác năm 2022, ông Trần Hoàng Thám cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa hoạt động của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vấn đề này không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng mà còn là mong muốn của toàn dân. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ là bước đà, cơ hội cho sự phát triển đi lên của đất nước.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan vụ Việt Á

Từ điểm cầu Huế, ông Lê Bá Trình cho rằng gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra, gây hoang mang cho nhân dân, đặc biệt các vụ việc liên quan đến công tác phòng chống dịch, có dấu hiệu vi phạm, làm nhân dân mất niềm tin. Điều nhân dân cần là nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.

“Vừa qua các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống COVID-19. Ví dụ như vụ tiêu cực ở Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, người dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Bộ Y tế và các CDC các tỉnh thành… phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm. Cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao”, ông Lê Bá Trình gợi mở.

Đồng quan điểm, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, vụ việc kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở tiền của mà ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. Người dân phản ứng rất dữ dội. Hay như những lùm xùm về hoạt động từ thiện, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong báo cáo tình hình nhân dân của Mặt trận cần nhấn mạnh đến vấn đề này và có những phản ứng để ổn định dư luận xã hội.

dovanchien.jpg
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Trả lời những tâm tư của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch liên quan tới vụ việc của Công ty Việt Á, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến hoan nghênh cơ quan điều tra đã sớm vào cuộc điều tra xử lý nghiêm minh; đồng thời nhấn mạnh Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp tục bám sát, theo dõi vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài liên quan
Tổng giám đốc Việt Á liên quan gì đến AIC?
Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện giai đoạn 1, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Y tế và CDC các tỉnh trong vụ Việt Á