Đã 13 tháng liền, tiền gửi của người dân "chảy mạnh" vào ngân hàng. So với cuối tháng 8, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỉ đồng.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 9.2023, số tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 6,449 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Điều này đồng nghĩa với trong 13 tháng liên tiếp, lượng tiền gửi của người dân tiếp tục tăng. So với cuối tháng 8, số tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỉ đồng và so với cuối năm 2022 tăng thêm 583.494 tỉ đồng.
Đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, số tiền này đạt hơn 6,23 triệu tỉ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỉ đồng so với cuối tháng 8.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 đạt 12,68 triệu tỉ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Tiền gửi tiết kiệm của người dân và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh.
Tính đến hiện tại, ngân hàng Vietcombank đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường với lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng có lãi suất lần lượt là 3,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng lãi suất chỉ 2,9%/năm.
Các ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 gồm: BIDV, VietinBank và Agribank có mức lãi suất huy động cao hơn, với kỳ hạn trên 12 tháng với mức 5,3%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm.
Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng đã giảm xuống mức thấp, thường dao động trong khoảng 5,3 - 5,7%/năm cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng có lãi suất trung bình khoảng 5%/năm.
Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng. Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào có nghĩa là dòng tiền trong nền kinh tế vẫn đang bị ứ đọng tại một số khu vực, vòng luân chuyển của các nguồn vốn cũng không còn linh hoạt như những năm trước. Nếu như thời điểm này năm ngoái, dòng tiền tắc nghẽn trên nhiều lĩnh vực, thanh khoản hệ thống căng thẳng khắp nơi, đẩy lãi suất tăng vọt trên các thị trường và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để giữ vững số dư huy động, thì năm nay ngược lại.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 30.9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỉ đồng, ước tăng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.
Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 7 giảm đáng kể so với hồi đầu năm. Đà giảm lãi suất kéo dài gần đây khiến lãi suất có thời điểm xuống đáy, một số kỳ hạn thấp hơn giai đoạn COVID-19.
Môi trường lãi suất thấp giai đoạn COVID-19 từng khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, xu hướng này theo lãnh đạo ngân hàng sẽ không lặp lại ở thời điểm hiện tại. Hoạt động tiêu dùng, sản xuất không còn bị gián đoạn vì COVID-19, thị trường bất động sản cũng ảm đạm sau loạt chấn chỉnh, khiến dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận sẽ thận trọng hơn.