Ngày 28.5, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) cho biết, bệnh viện này đã được Tổ chức Đột quỵ châu Âu trao giấy chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ. Đây là bệnh viện thứ 2 tại Việt Nam và cũng là bệnh viện thứ 2 ở châu Á vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này.

2 bệnh viện của Việt Nam đạt chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ

Hồ Quang | 28/05/2019, 17:25

Ngày 28.5, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) cho biết, bệnh viện này đã được Tổ chức Đột quỵ châu Âu trao giấy chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ. Đây là bệnh viện thứ 2 tại Việt Nam và cũng là bệnh viện thứ 2 ở châu Á vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này.

Sau khi Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) đón nhận danh hiệu “chất lượng điều trị vàng” trong điều trị đột quỵ của Tổ chức Đột quỵ châu Âu (ESO), đến lượt Bệnh viện Đại học Y dược đón nhận danh hiệu này.

Đây là giải thưởng vinh danh của Tổ chức Đột quỵ châu Âu dành cho các Đơn vị đột quỵ, với mục tiêu “Nhiều hơn và tốt hơn”, nhằm tăng cơ hội cho nhiều người bệnh đột quỵ được điều trị đúng chỗ, đồng thời nâng cao chất lượng chuyên sâu của các đơn vị đột quỵ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, sớm quay về cuộc sống bình thường. Chứng nhận này đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ cấp cứu người bệnh đột quỵ, đến lúc nhập viện, điều trị giai đoạn cấp cho đến phục hồi chức năng, và giai đoạn phòng ngừa lâu dài sau khi xuất viện.

Theo TS.BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để đạt được chứng nhận này, cơ sở y tế phải tổ chức và thành lập một đơn vị đột quỵ đúng chuẩn, có sự phối hợp đa chuyên khoa và đạt các tiêu chuẩn riêng của ESO. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng là tiêu chuẩn của ESO, tổng thời gian từ lúc người bệnh tới bệnh viện tới khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu (gọi là thời gian cửa-kim) cần đạt dưới 60 phút. Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Đại học Y dược đã đạt được thời gian cửa – kim chỉ 30 phút.

“Đây là kết quả không nhiều bệnh viện có thể đạt được. Quá trình này cần sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ ê kíp nhân viên y tế để kịp thời hoàn tất mọi việc từ khám bệnh, đánh giá chẩn đoán, lấy máu xét nghiệm, kiểm tra tim phổi, chụp CTScan não đến giải thích cho người bệnh và gia đình, chuẩn bị thuốc, tiêm thuốc tan cục máu cho người bệnh, sẵn sàng tiến hành thông mạch bằng dụng cụ ngay nếu cần thiết. Bệnh viện đã xây dựng đủ các quy trình phối hợp cấp cứu đột quỵ, tập huấn và cấp cứu thực tế cho hàng trăm người bệnh đột quỵ mỗi tháng”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

PGS.TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược cho rằng với việc cả châu Á chỉ có 2 bệnh viện của Việt Nam đạt chất lượng điều trị vàng trong điều trị đột quỵ của ESO đã khẳng định chất lượng điều trị đột quỵ của nước ta tương đương các nước phát triển ở châu Âu.

Ông Bắc cũng cho biết hiện bệnh viện đã thành lập Trung tâm Khoa học Thần kinh. Đây là điều kiện tuyệt vời để tăng cường phối hợp hơn nữa trong điều trị đột quỵ nói riêng và điều trị các bệnh thần kinh nói chung.

"Trong thời gian tới, đơn vị đột vị của bệnh viện sẽ nâng tỉ lệ người bệnh được điều trị thuốc tan cục máu và can thiệp thông mạch lên trên 15% và hơn nữa, đồng thời rút ngắn thời gian cửa - kim trung bình dưới 30 phút với 100% người bệnh được điều trị trong thời gian cửa – kim dưới 60 phút", ông Bắc nói.

Đột quỵ là bệnh tổn thương não bộ do mạch máu bị hư tổn. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu máu, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần hai triệu tế bào thần kinh chết đi. Chính vì vậy tất cả mọi người đều phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não, vì “mất thời gian là mất não”.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
19 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 bệnh viện của Việt Nam đạt chất lượng vàng trong điều trị đột quỵ