Hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM phải cổ phần hóa gấp 51 doanh nghiệp trong năm nay.

2 'đầu tàu' kinh tế phải cổ phần hóa gấp hơn 50 doanh nghiệp

Tuyết Nhung | 15/10/2020, 18:54

Hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM phải cổ phần hóa gấp 51 doanh nghiệp trong năm nay.

Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn "ì ạch"

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa cho biết trong 9 tháng đầu năm 2020 đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa là Công ty TNHHMTV Giống gia súc Hải Dương; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của 1 Tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).

Từ năm 2016 - tháng 9.2020 đã có 178 doanh nghiệp được cấp phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa, đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 3 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp).

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là Thành phố Hà Nội phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Về tình hình thoái vốn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong tháng 9 vừa qua đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 5 Tổng công ty với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỉ đồng về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã thoái được 899 tỉ đồng, thu về 1.845 tỉ đồng.

Tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 9.2020 đã thoái 25.669 tỉ đồng, thu về 172.917 tỉ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị với giá trị 4.964 tỉ đồng, thu về 9.643 tỉ đồng; Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục là 3.785 tỉ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỉ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.919 tỉ đồng, thu về 52.881 tỉ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá: "Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 vẫn còn chậm, khiến việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại năm 2020 là khó khả thi".

Những giải pháp căn cơ

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó là tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Trong đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Về phía cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 cần triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước...

Bài liên quan
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 'đầu tàu' kinh tế phải cổ phần hóa gấp hơn 50 doanh nghiệp