Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi, hai mũi vắc xin của Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng, nhưng có thể ngăn mắc bệnh nặng.

2 mũi vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm Omicron

Sơn Vân | 12/12/2021, 17:04

Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi, hai mũi vắc xin của Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng, nhưng có thể ngăn mắc bệnh nặng.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở thành phố Durban (Nam Phi) vừa đưa ra dữ liệu bổ sung vào một nghiên cứu nhỏ được công bố đầu tuần này.

Nghiên cứu đã xem xét các mẫu huyết tương từ 12 người tham gia đã được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech. Máu 5 trong số 6 người được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cũng như từng khỏi bệnh COVID-19 trước đó vẫn phần nào vô hiệu hóa được biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 gốc (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) ở những người tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech.

Điều này về cơ bản làm tổn hại đến khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại sự lây nhiễm vi rút”, theo nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Alex Sigal, trưởng phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, dẫn đầu.

Dù vậy, họ nói 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech tiếp tục có đủ khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu Nam Phi trong tuần này là người đầu tiên chứng minh biến thể Omicron có thể thoát khỏi các kháng thể do vắc xin của Pfizer tạo ra dù không phải hoàn toàn. Tuy nhiên, họ nói rằng mũi vắc xin tăng cường có thể tăng khả năng miễn dịch chống lại Omicron. Điều đó đã được thể hiện trong nghiên cứu do chính Pfizer-BioNTech thực hiện.

2-mui-vac-xin-pfizer-chi-co-hieu-qua-225-ngan-nhiem-bien-the-omicron.jpg
2 mũi vắc xin của Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng, nhưng có thể ngăn mắc bệnh nặng - Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu Đức đã ủng hộ kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, cho thấy lượng kháng thể chống lại Omicron giảm 37 lần so với Delta- biến thể đang gây ra hầu hết ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Nhà vi rút học Sandra Ciesek thông báo điều này trong kết quả nghiên cứu được đăng vào đầu ngày 8.12.

Một nghiên cứu riêng biệt từ Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) lạc quan hơn, cho thấy sự suy giảm kháng thể chống lại Omicron chỉ tồi tệ hơn một chút so với Delta.

Dữ liệu sơ bộ của Vương quốc Anh công bố hôm 10.12 cho thấy mũi vắc xin tăng cường từ AstraZeneca và Pfizer-BioNTech cải thiện khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron lên tới 75% trong những ngày đầu sau khi tiêm.

Hôm 11.12, các nhà nghiên cứu Israel cũng phát hiện ra mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3 cải thiện đáng kể sự bảo vệ chống lại Omicron.

Nghiên cứu do Trung tâm Y tế Sheba và Phòng thí nghiệm vi rút học Trung ương của Bộ Y tế Israel thực hiện, so sánh máu của 20 người đã tiêm hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech trước đó 5-6 tháng với một số người nhận tiêm mũi vắc xin tăng cường 1 tháng trước đó.

"Những người được tiêm liều vắc xin thứ hai cách đây 5 hoặc 6 tháng không có bất kỳ khả năng trung hòa nào với Omicron, trong khi họ vẫn có một số khả năng chống lại Delta. Tin tốt là với liều vắc xin tăng cường, khả năng bảo vệ tăng khoảng 100 lần. Có sự bảo vệ đáng kể với liều tăng cường, nhưng khả năng trung hòa Omicron thấp hơn so với Delta khoảng 4 lần", Gili Regev-Yochay, Gám đốc Đơn vị Bệnh truyền nhiễm tại Sheba, nói với phóng viên.

Nhóm nghiên cứu ở Israel cho biết đã làm việc với loại vi rút thực sự trong khi các công ty sử dụng pseudovirus (vi rút giả), được thiết kế sinh học để có các đột biến đặc trưng của Omicron.

Biến thể Omicron được các nhà khoa học ở Nam Phi, Botswana tìm thấy và công bố vào ngày 25.11, hiện đã xuất hiện ở hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Thời gian qua, một số người vẫn nhiễm biến thể Omicron dù tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3 từ 2 tháng trước trở lên, song hầu hết đều có triệu chứng nhẹ.

Ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, cho biết biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng chúng ta sẽ cần đến mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 sớm hơn dự kiến.

Albert Bourla từng dự đoán rằng có thể cần đến liều vắc xin thứ 4 trong vòng 12 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3. Thế nhưng hôm 9.12, ông nói trên đài CNBC rằng khoảng thời gian tiêm mũi vắc xin thứ 4 có thể cần rút ngắn lại.

Một trong những nhà khoa học hàng đầu của Pfizer gần đây cho biết lần tiêm thứ 4 - có khả năng là loại vắc xin được thiết kế nhắm mục tiêu vào Omicron - có thể là cần thiết.

Trước đó, Pfizer thông báo có thể tung ra vắc xin chống lại Omicron vào tháng 3.2022.

Bài liên quan
Vì sao nhiễm HIV không được kiểm soát có thể đứng sau sự xuất hiện Omicron và biến thể tiếp theo?
Các chuyên gia nói rằng hệ thống miễn dịch suy yếu có thể làm phát sinh các biến thể SARS-CoV-2 mới. Vì vậy, việc ngăn ngừa HIV có thể là chìa khóa để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 mũi vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm Omicron