Nhóm với hơn 1 triệu thành viên trên Telegram tuyên bố “vắc xin tạo ra biến thể Omicron”.

Vạch mặt các tin giả gây sốc liên quan vắc xin và biến thể Omicron

Sơn Vân | 11/12/2021, 12:43

Nhóm với hơn 1 triệu thành viên trên Telegram tuyên bố “vắc xin tạo ra biến thể Omicron”.

Hồi tháng 7.2021, một bản trình chiếu giả với biểu tượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hiển thị lịch trình khi nào các biến thể của SARS-CoV-2 tiếp theo sẽ được tung ra, đã thu hút hàng ngàn lượt thích trên Twitter và Instagram.

Những người có sức ảnh hưởng chống vắc xin đã đăng hình ảnh, trích dẫn nó là bằng chứng cho thấy đại dịch được dàn dựng bởi những nhóm lợi ích có quyền lực và rằng các biến thể SARS-CoV-2 mới đều nằm trong kế hoạch mờ ám.

Tua nhanh đến cuối tháng 11.2021, các nhà khoa học Nam Phi xác định được biến thể Omicron và cảnh báo rằng nó có số lượng đột biến cao. Vào thời điểm các quan chức y tế trên khắp thế giới cảnh báo mọi người không nên vội vàng kết luận trước khi có kết quả nghiên cứu kỹ hơn về Omicron, hình ảnh giả lại được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, khẳng định rằng biến thể này chỉ là bước tiếp theo của một âm mưu toàn cầu.

Các tuyên bố sai lệch khác về Omicron đã xuất hiện trên internet trong hai tuần kể từ khi nó được xác định lần đầu tiên. Một bài đăng trong nhóm với hơn 1 triệu thành viên trên ứng dụng Telegram tuyên bố “vắc xin tạo ra biến thể Omicron”, theo First Draft - tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra thông tin sai lệch.

Một thuyết âm mưu khác cho rằng Omicron đang được các chính phủ và các công ty dược phẩm thúc đẩy để làm suy yếu ivermectin, một loại thuốc diệt giun và chống ký sinh trùng mà những người hoài nghi vắc xin cho rằng điều trị được COVID-19, dù không có bằng chứng khoa học chứng minh điều đó.

Những người khác nói rằng thời điểm phát hiện ra Omicron cho thấy các quan chức chính phủ đang cố gắng đánh lạc hướng người dân theo dõi phiên tòa xét xử Ghislaine Maxwell, người bị buộc tội giúp tỷ phú ấu dâm Jeffrey Epstein thực hiện trò bệnh hoạn với các bé gái dưới tuổi vị thành niên.

Những ví dụ nêu trên là nếp nhăn mới nhất trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa các công ty truyền thông xã hội với những kẻ lợi dụng cơn khát kiến ​​thức toàn cầu để phát tán tin sai sự thật.

Các nền tảng như Facebook, Twitter, YouTube đã cấm thông tin sai lệch về COVID-19 và vắc xin, cố gắng quảng bá thông tin có thẩm quyền từ chính phủ. Thế nhưng, những tin giả vẫn tiếp tục lan rộng.

Claire Wardle, Giám đốc điều hành của First Draft, cho biết: “Đó là một ví dụ kinh điển về việc khi bạn có một khoảng trống, nó sẽ được lấp đầy rất nhanh bởi những người theo thuyết âm mưu”.

Làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, gần 2 năm xảy ra đại dịch, nhiều người đang cảm thấy mệt mỏi. Họ thậm chí dễ bị tin vào những thông tin giả về COVID-19 sau những chu kỳ dường như bất tận về cấm đi lại, phong tỏa, cần tiêm vắc xin nhiều hơn và nhận mũi tăng cường, theo các nhà nghiên cứu cách thông tin sai lệch lan truyền trực tuyến.

Với biến thể Omicron và Giáng sinh sắp đến, có khả năng chúng ta lại phải thay đổi hành vi của mình. Sự mệt mỏi đó là rất thực, nhiều người không muốn đối phó với điều đó nữa", theo bà Rachel Moran, Giáo sư tại Đại học Washington, người nghiên cứu về cách thông tin trực tuyến ảnh hưởng đến niềm tin của con người.

Các tuyên bố từ các quan chức y tế công cộng và cách đăng tin của phương tiện truyền thông về Omicron nhấn mạnh đến việc chúng ta biết rất ít về biến thể này nên đưa ra giọng điệu thận trọng hơn so với giai đoạn đầu đại dịch, Rachel Moran nói. Thế nhưng việc đưa tin đều đặn, trận trọng đó cũng không giúp làm chậm quá trình lan truyền thông tin sai lệch, theo Rachel Moran.

Sau gần 2 năm kiểm tra gắt gao, các công ty truyền thông xã hội cho biết đã phân bổ nhiều nguồn lực hơn dành riêng cho việc gỡ bỏ thông tin sai lệch về y tế và cải thiện các thuật toán tự động phát hiện chúng.

Nhiều người có sức ảnh hưởng chống vắc xin nổi tiếng, bao gồm cả bác sĩ Florida Joseph Mercola và luật sư Robert F. Kennedy Jr., đã bị xóa tài khoản khỏi các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, các nhóm chống vắc xin lách các quy tắc mới bằng cách sử dụng ngôn ngữ được mã hóa hoặc chụp ảnh màn hình các bài đăng từ trang web riêng của người có sức ảnh hưởng rồi chia sẻ chúng trên mạng xã hội.

Claire Wardle nói: “Các nền tảng mạng xã hội đang làm nhiều việc hơn nhưng không ngăn được thông tin sai lệch lưu hành”.

Sự xuất hiện của các biến thể mới đã được các nhà khoa học dự đoán từ trước. Các loại vi rút tự nhiên thay đổi, đột biến theo thời gian và vì rất nhiều nơi trên thế giới vẫn có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nên các biến thể mới gần như sẽ xuất hiện. Thế nhưng, những người nổi tiếng chống vắc xin thường đưa lý lẽ sai sự thật liên quan sự ra đời của các biến thể mới.

Khi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ đã phản ứng bằng cách hạn chế du lịch từ phía nam châu Phi. Đây là động thái mà quan chức các nước châu Phi cho rằng không được khoa học ủng hộ và có thể bị phân biệt đối xử. Từ đó, một số người nổi tiếng chống vắc xin cho rằng biến thể Omicron là cái cớ để các chính phủ phân biệt chủng tộc chặn nhập cư và du lịch từ các nước châu Phi.

Tại Mỹ, những người bảo thủ nổi tiếng từng tuyên bố chính phủ và các phương tiện truyền thông đang thổi phồng tác động của đại dịch để mở rộng quyền lực, giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nay cũng đưa Omicron vào tuyên bố của họ.

Một sự khác biệt lớn trong năm nay là việc thiếu các tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump, trước đây từng tung ra thông tin sai lệch, chẳng hạn tuyên bố thuốc tẩy có thể giúp chống lại COVID-19, với hàng trăm ngàn người ủng hộ ông thậm chí chia sẻ nó một cách rộng rãi hơn.

Các chính trị gia khác đã đảm nhận vai trò đó thay ông Trump.

omicron-do-vac-xin-tao-ra-lam-mat-uy-tin-thuoc-diet-giun1.jpg
Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene đưa tin sai lệch rằng Omicron có thể là một phần của âm mưu làm mất uy tín ivermectin

Trong bài đăng trên Twitter ngày 27.11, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (đảng Cộng hòa, đại diện bang Georgia) tuyên bố rằng tỷ lệ mắc COVID-19 tương đối thấp hơn ở châu Phi trong 2 năm qua một phần là do người dân châu lục này sử dụng ivermectin.

Không có bằng chứng khoa học chắc chắn rằng ivermectin giúp chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Marjorie Taylor Greene cho rằng biến thể Omicron có thể là một phần của âm mưu làm mất uy tín ivermectin.

"Không có gì ngạc nhiên khi những tên bạo chúa công bố một biến thể mới từ châu Phi và áp dụng các hạn chế đi lại", bà viết. Những dòng tweet của Marjorie Taylor Greene đã được đăng lại hàng ngàn lần bởi những người dùng Twitter khác.

Tính không chắc chắn và những thay đổi trong hướng dẫn chính thức về việc người dân có nên đi du lịch không sẽ tiếp tục đeo bám họ khi đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba.

Claire Wardle nhận định: “Nhiều người bị thu hút bởi những thuyết âm mưu vì cảm thấy như có một khía cạnh giải thích cho chúng. Biết một điều chắc chắn khiến bạn cảm thấy sảng khoái, bởi 2 năm không chắc chắn vừa qua mang đến cảm giác thật kinh khủng".

Bài liên quan
Pfizer: Có thể cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 sớm hơn vì biến thể Omicron
Giám đốc điều hành Pfizer cho biết biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng chúng ta sẽ cần đến mũi vắc xin COVID-19 thứ tư sớm hơn dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vạch mặt các tin giả gây sốc liên quan vắc xin và biến thể Omicron