Hai nạn nhân được người dân phát hiện bất tỉnh ven đường, dưới tiết trời nắng nóng tới gần 50 độ C ở Hà Nội. Khi lực lượng y tế có mặt, họ đã ngừng thở.
Theo người dân cho biết, bà cụ khoảng hơn 60 tuổi đang đi xe máy hướng Xã Đàn - Ô Chợ Dừa bỗng dưng xe loạng choạng và bà vừa đánh xe vào ven đường thì gục xuống. Người dân vội gọi cấp cứu nhưng khi xe vừa đến thì cụ đã tắt thở.
Cũng như trường hợp này, trước đó 2 ngày cũng có một người đàn ông vì nắng nóng ghé vào một cây lớn ven đường để nghỉ ngơi, khi người dân phát hiện thì người này đã chết. Cả 2 cái chết trên đều được cho là do thời tiết nắng nóng, mọi người dễ bị đột tử khi đi ra ngoài thời tiết khắc nghiệt này.
Cũng trong chiều ngày 5.6, Bộ Y tế đã gửi khuyến cáo tới các người dân cũng như yêu cầu các bệnh viện tăng cường các giường bệnh, máy móc, quạt, điều hòa để phục vụ bệnh nhân giữa thời tiết nắng nóng kỷ lục này. Chia sẻ với phóng viên, trưởng khoa bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày qua, số lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khá cao. Bệnh viện cũng huy động thêm những chiếc giường xếp để cho bệnh nhân nằm nghỉ hoặc chữa bệnh.
Ghi nhận tại bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ em nhập viện vì ốm, sốt, viêm não, viêm phế quản phổi... tăng đột biến. Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Dũng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do thời tiết nắng nóng, gia đình anh liên tục bật điều hòa và để các con chơi trong nhà, nhưng khi đến đầu giờ tối gia đình anh có tắt một chút, khi các cháu ra ngoài chơi thì đã bị nôn ói, chóng mặt và sốt cao dẫn đến ho. Vào viện khám và xét nghiệm thì thấy cháu bị thấm mồ hôi, sốc nhiệt nên bị ốm ngay chỉ trong vài tiếng đồng hồ".
Chị Quách Hiệu (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị nhập viện vì bị viêm đường tiêu hóa, khi trời nắng nóng gia đình có mua cho cháu ly nước mía. Sau khi uống xong cháu bị nôn liên tục, đưa vào viện cấp cứu thì cháu bị tiêu chảy cấp, viêm ruột vì uống đồ uống không hợp vệ sinh.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, mấy ngày qua, lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10%-15% so với bình thường. Dự báo số lượng bệnh nhân có thể sẽ tăng vọt trong tuần tới, ngay cả khi đợt nóng kết thúc bởi lúc này, khi nền nhiệt thay đổi cũng là lúc cơ thể không kịp thích nghi nên càng dễ nhiễm các bệnh do virus, vi khuẩn. Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện Nhi Trung ương đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng.
Bác sĩTrương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ bị sốt cao nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, hạn chế việc đặt thuốc hạ sốt qua đường hậu môn và tuyệt đối không được dùng đá lạnh để chườm cho trẻ.
“Nhiều trẻ bị sốt cao, rét run do bị co mạch dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể lên cao, gây co giật. Khi đó cần cho trẻ ở nơi thông thoáng, cởi bớt quần áo, dùng nước ấm 38 độ chườm cho trẻ. Không dùng đá để chườm vì sẽ làm co mạch và trẻ càng sốt cao hơn” - bác sĩTrương Thúy Vinh cho biết.
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai cũng tăng lên tương đối. Chỉ trong 3 ngày nắng nóng, số trẻ nhập viện tăng lên tới 50-80 cháu/1 ngày. Và hiện nay có hơn 100 bé đang nằm nội trú điều trị.
Dự báo, ngày mai, thời tiết sẽ dịu mát, sau đó lại tiếp tục một đợt nắng nóng khác. Người già và trẻ nhỏ hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng. Nếu phải ra ngoài cần che chắn tối đa bằng mũ, kính, khẩu trang, áo chống nắng, hạn chế da tiếp xúc với nắng nóng, nhất là vùng gáy và không nên ở quá lâu dưới trời nắng.
Dạ Thảo