Những sản phẩm sáng tạo, dù đang ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày hay mở ra một tương lai kế tiếp, đều cho thấy: Khả năng sáng tạo của con người là vô tận. Nhưng để làm được, một yếu tố không thể thiếu là văn hóa khuyến khích sáng tạo, chính điều này đã giúp một quốc gia sở hữu đến 567 giải Nobel và là chủ nhân của "20 sáng tạo cho thế giới tương lai".
>> Đại tướng quân hai lúa chế tạo xe bọc thép: Làm khoa học xứ mình buồn lắm!
Một chương trình mang tên Sáng tạo Thụy Điển đang diễn ra cho đến hết tháng 11.2014 tại Đại học Hoa Sen, qua sự phối hợp tổ chức của UBND TP.HCM và Viện Thụy Điển. Bên cạnh nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện trao đổi những giải pháp, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, không gian triển lãm “20 sáng tạo cho thế giới tương lai” trong suốt chương trình là 1 trong những điểm nhấn mang thông điệp thú vị và ý nghĩa.
Đó có thể là máy tính điều khiển bằng mắt; thanh toán an toàn qua điện thoại di động bằng ứng dụng Mobile Everywhere (ME); 1 dụng cụ nhỏ gọn Strokefinder để chuẩn đoán đột quỵ tại chỗ hay công nghệ cảm ứng đa điểm chạm quang học Multisensing™ được thiết kế cho tất cả các loại thiết bị cá nhân và ngành công nghiệp như điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử, đồ chơi, màn hình cảm ứng trên ô tô và máy in...
"Ở Việt Nam, trí thức mất quá nhiều thời gian vào tìm kiếm các bằng cấp nên đầu tư cho sáng tạo còn thấp. Không thể biến Việt Nam thành một Thụy Điển thứ hai bởi rất nhiều khác biệt, nhưng Việt Nam có thể học Thụy Điển ở tinh thần sáng tạo và khuyến khích sáng tạo, để tìm ra cách giải quyết những vấn đề của mình". - TS Nguyễn Nhật Nam, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA nói tại hội thảo “Tinh thần sáng tạo”, ngày 11.11.2014.
Những sản phẩm trên, dù là sáng tạo đang được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, hay nó sẽ mở ra một tương lai sáng tạo kế tiếp, thì đều cho thấy: khả năng sáng tạo của con người là vô tận. Nhưng để làm được, một trong những yếu tố không thể thiếu là văn hóa khuyến khích sáng tạo. Thụy Điển là một đất nước như vậy.
Cách đây một thế kỷ, Thụy Điển là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Còn ngày nay, Thụy Điển được xem như là một trong những quốc gia sáng tạo và thịnh vượng trên thế giới, với nhiều dấu ấn sáng tạo đã trở nên quen thuộc và hữu ích: từ nhiệt kế Celsius năm 1741 đến Skype năm 2003, hay dây an toàn 3 điểm cho xe hơi, máy tạo nhịp tim, hệ thống cho điện thoại di động,...
Năm 2012, đất nước này được xếp hạng 2/141 về chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (INSEAD); 1/27 Bảng điểm Liên minh Sáng tạo 2014 (Ủy ban châu Âu); 4/40 chỉ số Sáng tạo Công nghệ sạch Toàn cầu 2014 (WWF, Nhóm Công nghệ sạch)... Đây cũng là đất nước được đánh giá có tỉ lệ tăng nhanh thứ 2 trên thế giới về số bằng phát minh sáng chế/đầu người. Chỉ tính riêng năm 2012, Thụy Điển đã có 2.288 đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế; 9.473 bài báo được xuất bản trên các tạp chí khoa học kỹ thuật trong năm 2011.
Có thể nói, những gì mà Thụy Điển đạt được trong sáng tạo dường như đã là một “lý giải” cho đất nước có tới 567 giải Nobel này. Cũng không khó hiểu khi Microsoft đã chịu trả 2,5 tỉ USD cho công ty sản xuất trò chơi điện tử Mojang. Hay một điều thú vị khác nhưng không hẳn là ngẫu nhiên ở “đất nước sáng tạo” này: 50% bộ trưởng của Thụy Điển là nữ!
“Ở xứ người ta làm khoa học lạ lắm. Anh làm được gì thì làm. Không cần bằng cấp, giấy phép gì cả. Còn ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm. Làm khoa học ở xứ mình buồn lắm” – nông dân Trần Quốc Hải, người vừa được vương quốc Campuchia trao huân chương Đại tướng quân vì thành tích sửa chữa xe bọc thép cho nước này.
“Trí tò mò, óc sáng tạo, và mong muốn thay đổi đã làm chúng tôi trở thành những nhà sáng tạo”, bà Annika Rembe, viện trưởng viện Thụy Điển nói tại “Sáng tạo Thụy Điển”.
Vào năm 2012, Thụy Điển đã chi 3,41 GDP cho nghiên cứu và phát triển, và họ đạt được 16,5 tỉ USD xuất khẩu công nghệ cao. Đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển, Thụy Điển đã mang lại nhiều sáng tạo để tạo ra công ăn việc làm, cứu sống con người và cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Và họ đã mang “Sáng tạo Thụy Điển” chu du vòng quanh thế giới, bắt đầu từ trường đại học Stanford ở Thung lũng Silicon vào năm 2011, sau đó tiếp tục tại Mỹ, Canada, Brasil, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2014, triển lãm tiếp tục ở châu Á, bắt đầu từ Jakarta (Indonesia) vào tháng 5 và hiện đang ở TP.HCM.
Sáng tạo Thụy Điển, không chỉ quảng bá và tiếp thị được cho hình ảnh đất nước, còn ghi dấu ấn bởi thông điệp “nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo và khuyến khích sáng tạo” của Thụy Điển. Và tại đây, “20 sáng tạo cho thế giới tương lai” được chọn triển lãm không phải là những gì đã làm nên một “tên tuổi” Thụy Điển, mà lại là những sáng tạo của 20 công ty mới khởi nghiệp của đất nước họ. Đó cũng là một thành quả từ nền văn hóa khuyến khích sáng tạo...
>> Trên biển Đông: Đài Loan dùng vệ tinh khảo sát địa chất đáy biển
>> Ra đời công nghệ X-men điều khiển tâm trí người khác
>> Mệnh lệnh năng lượng tái tạo: 100% ngay bây giờ!
Lê Quỳnh
Sáng tạo Thụy Điển kéo dài 3 tuần, từ ngày 10.11.2014. Triển lãm mở cửa hàng ngày từ 08:00 đến 17:00 kể cả cuối tuần. Để đặt lịch xem triển lãm có hướng dẫn, mời gửi email đến: innovativesweden@si.se
Cùng triển lãm tại TP.HCM là các hội thảo về Giao thông bền vững, Công nghệ sạch, Truyền thông sáng tạo, Giảm nhẹ thiên tai, Giáo dục, Liên hoan phim Thụy Điển, LunchBeat (bữa trưa kết hợp với nhảy disco), thi đấu trò chơi điện tử với các game như Battle Field và Candy Crush Saga, và Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2014.