Công ty vũ trụ SpaceX của tỉ phú Elon Musk cứ trung bình hai tuần lại phóng thành công một nhiệm vụ không gian trong năm 2020.
SpaceX đã thực hiện 26 nhiệm vụ trong năm 2020 và phá vỡ kỷ lục 21 vụ phóng do chính công ty thiết lập vào năm 2018. Các vụ phóng năm nay có nhiều cột mốc quan trọng như vụ phóng thứ 100 của dòng tên lửa đẩy tái sử dụng Falcon 9 và nhiệm vụ không gian thành công thứ 100 của SpaceX.
Sứ mệnh lịch sử đưa phi hành gia lên trạm ISS
Những con số thống kê ấn tượng trên chỉ nói lên một phần nhỏ thành công của SpaceX. Hai trong số các vụ phóng của SpaceX trong năm nay đã đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Chuyến đầu tiên là sứ mệnh thử nghiệm Demo-2 hồi tháng 5, đưa các phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley của NASA đến trạm vũ trụ để lưu trú hai tháng.
Thành công của Demo-2 mở đường cho sứ mệnh thương mại đầu tiên có tên Crew-1, thực hiện theo hợp đồng trị giá 2,6 tỉ USD mà SpaceX đã ký với NASA. Crew-1 cất cánh vào ngày 15.11, đưa các phi hành gia của NASA là Victor Glover, Mike Hopkins, Shannon Walker và phi hành gia Soichi Noguchi của Nhật Bản lên ISS làm việc trong 6 tháng.
“Hôm nay đánh dấu một kỷ nguyên mới trong hành trình bay của con người khi chúng ta một lần nữa phóng thành công các phi hành gia lên ISS từ đất Mỹ và bằng tên lửa của Mỹ. Đây là một bước quan trọng trong kế hoạch mở rộng hoạt động khám phá của con người lên Mặt trăng và sao Hỏa”, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết ngay sau khi sứ mệnh Demo-2 kết thúc.
NASA bắt đầu kỷ nguyên mới khi đưa 4 phi hành gia lên trạm ISS thành công - Video: NASA
Ngoài hai chuyến bay chở người, SpaceX còn thực hiện thành công hai sứ mệnh không người lái khác lên ISS trong năm nay, bao gồm các chuyến bay tiếp tế hàng hóa và thiết bị khoa học vào tháng 3 và tháng 12.
Chòm sao vệ tinh Starlink đang hình thành
Hơn một nửa trong số các sứ mệnh của SpaceX trong năm 2020 được phóng để hỗ trợ dự án “chòm sao Starlink”. Mỗi lần trong số đó đưa thành công khoảng 60 vệ tinh Internet lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, nâng tổng số thiết bị hoạt động trên mạng lưới lên hơn 950 chiếc. Dự kiến đến năm 2024, công ty này sẽ đưa vào không gian khoảng 12.000 vệ tinh Starlink hoạt động trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp ở độ cao khoảng 550 km.
Mục tiêu cuối cùng của SpaceX là phát triển một mạng lưới gồm hơn 40.000 vệ tinh phủ sóng Internet tốc độ cao, băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học lo ngại quá nhiều vệ tinh nhân tạo phát sáng có thể làm “hỏng” quang cảnh bầu trời đêm và ảnh hưởng đến các quan sát thiên văn.
SpaceX đã bước vào giai đoạn thử nghiệm beta cho “chòm sao Starlink” để tối ưu hóa độ trễ và kết nối ở nhiều bang của Mỹ và Canada từ tháng 10. Công ty có thể sớm cung cấp dịch vụ mạng cho những khách hàng đầu tiên ở Bắc Mỹ.
CEO Elon Musk cho biết, mạng lưới Starlink có thể mang lại 30 tỉ USD doanh thu hàng năm cho SpaceX. Số tiền này sẽ được dùng để phát triển dự án Starship - hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ với sứ mệnh đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa.
Tất cả 26 lần phóng trong năm 2020 đều sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 và có tới 23 lần trong đó, tầng một của tên lửa được thu hồi thành công để tái sử dụng trong những nhiệm vụ tiếp theo.
Thử nghiệm các nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship
Dù không được liệt kê vào danh sách sứ mệnh không gian thành công trong năm 2020 nhưng các chuyến bay thử nghiệm nguyên mẫu Starship của SpaceX cũng đáng được nhắc đến. Trong một tuyên bố gần đây, Elon Musk tự tin rằng phương tiện này có thể đưa người đến sao Hỏa vào năm 2026 và giúp thiết lập sự hiện diện bền vững của các phi hành gia trên Mặt trăng vào năm 2028.
Bước tiến lớn nhất và ấn tượng nhất của loạt thử nghiệm này là chuyến bay vào ngày 10.12 khi nguyên mẫu Starship SN8 hoàn thành mục tiêu bay cao 12,8 km từ cơ sở của SpaceX ở gần làng Boca Chica, phía nam Texas. Con tàu đã phát nổ khi tiếp đất nhưng điều này đã được SpaceX dự đoán từ trước. Elon Musk vẫn rất vui mừng trước kết quả của chuyến bay này.
Video buổi phóng thử nghiệm nguyên mẫu tàu Starship SN8 của SpaceX
SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và các điểm đến khác trong không gian. Hệ thống vận chuyển bao gồm 2 bộ phận được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn. Đó là tàu vũ trụ bằng thép không gỉ cao 50 mét được gọi là Starship và tên lửa khổng lồ Super Heavy.
Mẫu tàu Starship cuối cùng sẽ có 6 động cơ Raptor và đủ mạnh để phóng lên Mặt trăng và sao Hỏa. Tuy nhiên, con tàu sẽ cần tên lửa đẩy Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất. Super Heavy được lắp 30 động cơ Raptor sẽ hạ cánh xuống Trái đất ngay sau khi phóng Starship lên quỹ đạo. Theo thiết kế, tàu Starship có thể chở 100 người vào không gian cùng lúc với khoang điều áp có thể tích khoảng 1.000 m3.
Tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa đã đặt lịch bay quanh Mặt trăng bằng tàu Starship vào năm 2023. Starship cũng là ứng cử viên cho chương trình Artemis nhằm đưa phi hành gia NASA trở lại Mặt trăng. SpaceX đang cố gắng đáp ứng khung thời gian trên bằng cách phát triển nhanh các nguyên mẫu và bay thử thường xuyên tại cơ sở ở Nam Texas.