Các tài liệu mới cho thấy Lens Technology, công ty sản xuất mặt kính iPhone và thuộc sở hữu của Chu Quần Phi - người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, đã nhận các lao động Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chuyển đến từ Tân Cương.

'Hãng sản xuất kính iPhone lâu năm của nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc dùng lao động bị cưỡng bức'

Nhân Hoàng | 29/12/2020, 20:30

Các tài liệu mới cho thấy Lens Technology, công ty sản xuất mặt kính iPhone và thuộc sở hữu của Chu Quần Phi - người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, đã nhận các lao động Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chuyển đến từ Tân Cương.

Một trong những nhà cung cấp vật liệu lâu đời nhất cho iPhone đã sử dụng lao động Hồi giáo bị cưỡng bức trong các nhà máy của họ, theo các tài liệu do một nhóm nhân quyền tiết lộ, bổ sung thêm sự giám sát mới vào hồ sơ nhân quyền của Apple ở Trung Quốc.

Được Dự án Minh bạch Công nghệ phát hiện và chia sẻ độc quyền với tờ The Washington Post (Mỹ), các tài liệu nêu chi tiết cách hàng ngàn công nhân Duy Ngô Nhĩ từ vùng Tân Cương, chủ yếu là người Hồi giáo, được đưa đến làm việc cho Lens Technology.

Lens Technology cũng cung cấp mặt kính cho Amazon và Tesla, theo báo cáo hàng năm.

hang-san-xuat-kinh-lau-nam-cho-iphone-cua-nu-ty-phu-giau-nhat-trung-quoc-dung-lao-dong-bi-cuong-buc-1(1).jpg
Các nhân viên Lens Technology làm việc trong nhà máy ở thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

Lens Technology là 1 trong ít nhất 5 công ty được kết nối với chuỗi cung ứng của Apple, nổi bật so với các nhà cung cấp linh kiện khác cho Apple bởi người sáng lập nổi tiếng và lịch sử lâu dài, được ghi chép rõ ràng về những ngày đầu của iPhone.

Katie Paul, Giám đốc Dự án Minh bạch Công nghệ, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng lao động bị cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Apple vượt xa những gì công ty đã thừa nhận”.

Người phát ngôn Apple, Josh Rosenstock cho biết công ty Mỹ từng nói Lens Technology chưa nhận nhận bất kỳ vụ chuyển giao lao động nào của công nhân Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương. Đầu năm nay, Josh Rosenstock tuyên bố Apple đảm bảo rằng không có nhà cung cấp nào của họ đang sử dụng lao động Duy Ngô Nhĩ được chuyển đến từ Tân Cương.

Rosenstock nói: “Apple không khoan nhượng với lao động bị cưỡng bức. Tìm kiếm sự hiện diện của lao động bị cưỡng bức là một phần của mọi đánh giá nhà cung cấp mà chúng tôi thực hiện, bao gồm cả các cuộc đánh giá đột xuất. Các biện pháp bảo vệ này áp dụng trên toàn bộ chuỗi cung ứng, bất kể công việc hoặc vị trí của một người. Bất kỳ vi phạm chính sách nào của chúng tôi đều có hậu quả ngay lập tức, gồm cả việc doanh nghiệp có thể bị chấm dứt kinh doanh với Apple. Như mọi khi, trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo mọi người đều được đối xử với nhân phẩm và sự tôn trọng, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người lao động trong chuỗi cung ứng của mình”.

Lens Technology không trả lời khi được đề nghị bình luận về cáo buộc sử dụng lao động Duy Ngô Nhĩ từ vùng Tân Cương.

Trả lời câu hỏi qua fax từ The Washington Post, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi lao động bị cưỡng bức ở nước này là “không tồn tại” và cáo buộc những người có “động cơ thầm kín” đã bịa chuyện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết một số công ty đã thuê kiểm toán viên để tiến hành điều tra và “xác nhận sự không tồn tại của lao động bị cưỡng bức” nhưng không nêu tên công ty cụ thể.

Tesla không trả lời về vấn đề trên. Người phát ngôn của Amazon, Samantha Kruse từ chối bình luận. Cần lưu ý rằng Giám đốc điều hành Amazon - Jeff Bezos sở hữu tờ The Washington Post.

Các sản phẩm của Apple bao gồm hàng ngàn linh kiện được sản xuất bởi nhiều nhà cung ứng trên thế giới. Trong khi một số nhà cung ứng nhỏ hoặc làm việc cho Apple thông qua người trung gian, Apple có mối quan hệ chặt chẽ hơn nhiều với các nhà cung ứng lớn của mình như Lens Technology. Apple có quy tắc ứng xử với nhà cung ứng và cho biết đã đánh giá 1.142 nhà cung ứng ở 49 quốc gia vào năm 2019, đảm bảo rằng các điều kiện lao động tốt được duy trì.

Apple từ chối cho biết liệu Lens Technology có phải là một trong những nhà cung ứng bị kiểm toán hay không. Apple đã xuất bản một báo cáo tiến độ hàng năm ghi lại kết quả của mình.

Apple từng phải đối mặt với những lời chỉ trích về các hoạt động lao động của mình trong quá khứ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Gần đây, điều đó cũng lan sang Ấn Độ, nơi Apple đang xây dựng cơ sở sản xuất của mình.

Đầu tháng này, hàng ngàn công nhân đã tụ tập bên ngoài Wistron, hãng cung ứng của Apple ở miền Nam Ấn Độ, để phản đối điều kiện làm việc. Apple đã không bình luận về điều kiện làm việc tại Wistron.

Katie Paul của Dự án Minh bạch Công nghệ, nói: “Apple tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt để giám sát chuỗi cung ứng của mình với những vấn đề như vậy, nhưng bằng chứng mà chúng tôi tìm thấy đã được công khai trên internet”.

Ở vùng xa của miền Tây Trung Quốc giáp với Afghanistan, Pakistan và các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác, Tân Cương đang phải đối mặt với cuộc đàn áp của Chính phủ Trung Quốc. Cụ thể hơn, Trung Quốc đưa hơn 1 triệu người Hồi giáo vào các trại tập trung hoặc buộc họ làm việc trong các nhà máy sản xuất mọi thứ từ bông, nước ngọt đến đồ điện tử.

Các công nhân Duy Ngô Nhĩ được chuyển từ Tân Cương đến các khu vực khác của Trung Quốc thường bị ép buộc hoặc cưỡng chế, theo các nhóm nhân quyền và học giả đã tiến hành phỏng vấn những người đã thoát khỏi hệ thống này. Chính phủ Trung Quốc không cho phép các nhóm nhân quyền vào nước này để phỏng vấn người lao động hoặc phải tuân theo các điều kiện nghiêm ngặt. Các tài liệu do Dự án Minh bạch Công nghệ thu thập không nêu chi tiết điều kiện làm việc trong các nhà máy của Lens Technology.

Darren Byler, nhà nhân chủng học tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), người nghiên cứu về người Duy Ngô Nhĩ di cư, cho biết: “Thực sự không còn cách nào để đưa ra sự đồng ý có hiểu biết ở Tân Cương nữa vì mối đe dọa bị giam giữ ngoài tư pháp là rất lớn”. Darren Byler nói Chính phủ Trung Quốc sử dụng lao động bị cưỡng bức ở khu vực Tân Cương từ lâu nhưng đã đẩy mạnh kể từ năm 2017, khi cuộc đàn áp gần đây nhất với người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu.

Apple cùng các hãng khác đã cử các nhà vận động hành lang đến tòa nhà Quốc hội Mỹ trong nỗ lực giảm nhẹ luật quy định các công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng lao động bị cưỡng bức từ khu vực. Darren Byler cho biết việc bị cáo buộc sử dụng lao động bị cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Apple “có thể giải thích tại sao công ty đang vận động hành lang chống lại một dự luật trước Quốc hội sẽ xử phạt các công ty vì liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc”.

Chu Quần Phi (sinh năm 1970), người sáng lập và Giám đốc điều hành Lens Technology, đã trở nên nổi tiếng vào năm 2015 khi công ty do bà thành lập lên sàn chứng khoán. Chu Quần Phi nói với tờ New York Times vào thời điểm đó rằng bước đột phá lớn của bà đến vào năm 2003 khi các nhà lãnh đạo Motorola đề nghị bà về cơ hội cung cấp kính cho màn hình smartphone Razr V3 sắp trình làng. Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Lens Technology đã giành được hợp đồng cung cấp lớp phủ màn hình bằng kính.

Đó là sự thăng tiến vượt bậc với cô gái đến từ ngôi làng nghèo và bắt đầu sự nghiệp bằng làm công nhân nhà máy. Chu Quần Phi đã sử dụng số tiền tiết kiệm khiêm tốn của mình để xây dựng doanh nghiệp cung cấp ống kính, trở thành một trong số ít nữ tỷ phú tự thân trên thế giới.

Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Chu Quần Phi là 15,2 tỉ USD, giúp bà trở thành người phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới và chỉ e dè so với tài sản của Laurene Powell Jobs, vợ của nhà sáng lập Apple - Steve Jobs.

hang-san-xuat-kinh-lau-nam-cho-iphone-cua-nu-ty-phu-giau-nhat-trung-quoc-dung-lao-dong-bi-cuong-buc.jpg
Chu Quần Phi, Giám đốc điều hành Lens Technology, là nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc

Với lượng cổ phiếu tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, hiện Lens Technology trị giá hơn 130 tỉ USD. Lens Technology có khoảng 100.000 công nhân với 16 công ty gia đình và có một số nhà máy sản xuất kính cho ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển công nhân ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy điện tử trên khắp nước này. Chính phủ Trung Quốc đã lập hóa đơn chuyển tiền như một phần của nỗ lực xóa đói giảm nghèo do ban lãnh đạo trung ương của đất nước dẫn đầu.

Việc chuyển giao đôi khi được tổ chức bởi các phòng thương mại khu vực, hoạt động như các cơ quan bán chính phủ và các công ty tuyển dụng lao động đóng vai trò trung gian, sắp xếp đưa công nhân đến các nhà máy cụ thể.

Một số công nhân người Duy Ngô Nhĩ nói với các nhóm nhân quyền rằng họ được lựa chọn giữa làm việc ở một nhà máy xa xôi hoặc bị đưa đến một trung tâm giam giữ. Trong một số trường hợp, người lao động nói rằng khi chấp nhận công việc, họ sống trong những khuôn viên được bảo vệ nghiêm ngặt và hiếm khi được phép rời đi. Vào buổi tối, khi ca làm việc kết thúc, các công nhân Duy Ngô Nhĩ nói rằng họ buộc phải học các bài học tuyên truyền cộng sản. Người Duy Ngô Nhĩ có được trả lương hay không và chính xác là bao nhiêu, vẫn chưa rõ ràng.

Theo một viết vào tháng 8.2019 trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), một số đợt chuyển giao lao động đã đưa công nhân đến các cơ sở của Lens Technology ở tỉnh Hồ Nam.

Bài viết cho biết việc chuyển giao được sắp xếp bởi Phòng Thương mại Tân Cương - Tô Châu và được coi là "nỗ lực tích cực để cung cấp việc làm cho những người thất nghiệp". Thế nhưng, nội dung bài viết sử dụng ngôn ngữ mà các nhóm nhân quyền cho rằng người lao động có thể không đi theo lựa chọn. Theo bài báo, Phòng Thương mại Tân Cương - Tô Châu đã nhấn mạnh việc sử dụng phong cách quản lý công nhân “bán quân sự” để giữ cho họ “có tổ chức, kỷ luật, quy củ”.

Phòng Thương mại Tân Cương - Tô Châu đề cập đến cán bộ quản lý đi cùng với công nhân để “hỗ trợ hậu cần”. Theo Darren Byler, “cán bộ” thường là thuật ngữ quan liêu để chỉ các quan chức chính phủ, giám sát việc giáo dục chính trị của công nhân Duy Ngô Nhĩ và thực thi các lệnh cấm thực hành tôn giáo.

Darren Byler nói: “Các cán bộ có thẩm quyền đưa người về Tân Cương, nhốt họ vào các trại”.

Các nhà phân tích nói rằng Phòng Thương mại Tân Cương - Tô Châu đã thu xếp việc chuyển giao lao động trong quá khứ và các nhà lãnh đạo tổ chức này đưa ra ý tưởng biến việc chuyển giao thành một công việc kinh doanh.

Vào tháng 2, các công nhân người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương làm việc cho một nhà máy Lens Technology là hành khách đầu tiên bay trên chuyến bay bao trọn gói ở Trung Quốc sau khi hàng không dân dụng bị đóng cửa vì đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Dự án Minh bạch Công nghệ.

Chuyến bay China Southern Arlines từ thành phố Hòa Điền đến tỉnh Hồ Nam được đưa tin bởi hãng thông tấn Trung Quốc tập trung vào ngành hàng không.

Dù còn trẻ, nhưng hầu hết họ đều có hai năm kinh nghiệm”, bài báo viết.

Năm mới, tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc chăm chỉ, học thêm nhiều kỹ năng, kiếm nhiều tiền hơn nữa để gia đình có cuộc sống tốt, thoát nghèo và bố mẹ yên lòng”, một công nhân cho biết trong bài viết.

Các nhân viên nhân quyền nói rằng những bài báo như thế này là kết quả sự phối hợp tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc.

Một bức ảnh chụp những người lao động Duy Ngô Nhĩ trên máy bay, đeo khẩu trang, cho thấy họ đang giơ dấu hiệu "thích", cùng với các nhân viên hàng không, tất cả đều là người Hán - dân tộc đa số ở nước này.

Theo các tài liệu mới được phát hiện gần đây, việc chuyển giao lao động sang Lens Technology kéo dài ít nhất 2 năm. Một thông báo từ Văn phòng Nhân sự và An sinh Xã hội Turpan, được đăng trên một trang web tuyển dụng việc làm của Trung Quốc năm 2018, đã thông báo về kế hoạch chuyển 1.000 “lao động dư thừa ở thành thị và nông thôn” sang Lens Technology.

Thông báo hướng dẫn các thị trấn và làng xã địa phương công khai nỗ lực để có được các người đăng ký tự nguyện. Để có được một công việc, các ứng viên phải vượt qua "cuộc kiểm tra chính trị" do cảnh sát địa phương thực hiện và được sự chấp thuận của Lữ đoàn An ninh Quốc gia.

Là một phần của quá trình đánh giá, báo cáo cho biết thông tin về người lao động Duy Ngô Nhĩ sau đó sẽ được gửi đến Nền tảng Hoạt động Chung Tích hợp (Integrated Joint Operations Platform). Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Nền tảng Hoạt động Chung Tích hợp là cơ sở dữ liệu do Chính phủ Trung Quốc vận hành, lưu trữ dữ liệu giám sát và giúp các nhà chức trách xác định xem người Duy Ngô Nhĩ có nên được đưa đến các cơ sở giam giữ hay không.

Darren Byler cho biết đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy bằng chứng trực tiếp cho thấy Nền tảng Hoạt động Chung Tích hợp đã được sử dụng trong “kế hoạch lao động bị cưỡng bức” của Trung Quốc, theo cách gọi của ông.

Trong một video tuyên truyền bị cáo buộc khác đăng trực tuyến vào năm 2019, công nhân Duy Ngô Nhĩ được nhìn thấy đang tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh trước một biểu ngữ màu đỏ có nội dung “Tất cả người lao động được Cục Nhân lực và An sinh xã hội vùng Kashgar gửi đến Lens Tech: Chào mừng Quốc khánh - Hát những bài hát màu đỏ. Nhớ ơn Đảng”. Kashgar là một thành phố ở vùng Tân Cương.

Phần lớn bằng chứng nêu chi tiết những nhà máy nào tiếp nhận lao động bị cưỡng bức từ Tân Cương đến từ trang web công khai ở Trung Quốc, nhưng có thể khó tìm. Các nhóm nhân quyền cho biết Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các bước để hạn chế quyền tiếp cận thông tin của chính phủ từ bên ngoài.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các kênh chính thức khác, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo về việc chuyển công nhân từ Tân Cương đến các nhà máy bên ngoài khu vực, thường nêu rõ các nhà máy cụ thể mà người lao động sẽ làm việc.

Theo các nhà nghiên cứu, các bài viết đôi khi bị gỡ xuống trước khi được các nhóm nhân quyền phát hiện. Các nhà nghiên cứu cho biết trong những năm gần đây, khi các nhóm nhân quyền sử dụng các bài đăng làm bằng chứng, Chính phủ Trung Quốc đã đăng tải ít tài liệu hơn.

Một báo cáo hồi tháng 3 từ Viện Chính sách Chiến lược Úc liên quan đến 4 nhà cung ứng của Apple trong cáo buộc chuyển giao lao động bị cưỡng bức, dựa một phần vào các tài liệu công khai.

Báo cáo đó nêu chi tiết việc chuyển lao động đến các nhà máy thuộc sở hữu của O-Film, Hubei Yihong Precision Manufacturing và Highbroad Advanced Material. Tất cả nhà sản xuất này có quan hệ với chuỗi cung ứng của Apple. O-Film xuất hiện trong danh sách nhà cung ứng của Apple. Hubei là công ty con của Dongguan Yidong Electronic, công ty đã liệt kê Apple là khách hàng trên trang web của mình. Báo cáo thường niên của Highbroad liệt kê nhà cung ứng Apple - BOE Technology Group là khách hàng lớn nhất của họ.

Báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Úc cũng cáo buộc việc chuyển lao động người Duy Ngô Nhĩ đến Foxconn, nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất.

Người phát ngôn Apple, Josh Rosenstock cho biết Hubei và Highbroad không có mối liên hệ nào với chuỗi cung ứng của công ty này.

Trong một báo cáo trước đó, Dự án Minh bạch Công nghệ cáo buộc áo phông cotton mà nhân viên Apple Store mặc cũng có nguồn gốc từ lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương. Josh Rosenstock khẳng định Apple không nhận áo từ Tân Cương nhưng không nói liệu công ty trước đây từng làm điều đó hay chưa.

Bài liên quan
Đối tác sản xuất lớn nhất của Apple định đầu tư thêm 270 triệu USD vào Việt Nam
Công ty Đài Loan tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tìm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hãng sản xuất kính iPhone lâu năm của nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc dùng lao động bị cưỡng bức'