Năm 2021, giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam đón nhận nhiều tin buồn khi nhiều văn nghệ sĩ ra đi và để lại khoảng trống lớn trong làng nghệ thuật.

2021: Nhiều văn nghệ sĩ qua đời, năm mất mát của nền nghệ thuật Việt Nam

Nhật Hạ | 31/12/2021, 11:41

Năm 2021, giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam đón nhận nhiều tin buồn khi nhiều văn nghệ sĩ ra đi và để lại khoảng trống lớn trong làng nghệ thuật.

Danh ca Lệ Thu qua đời ngày 15.1, sau gần hai tháng chống chọi với COVID-19. Bà hưởng thọ 78 tuổi. Ca sĩ Lệ Thu quê Hải Phòng, bà là một trong những giọng ca lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Những ca khúc tiêu biểu của Lệ Thu có thể kể đến “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”,…

Ngày 27.1, nền âm nhạc Việt mất đi một đại thụ của thanh nhạc Việt Nam - NSND Trung Kiên. Nghệ sĩ qua đời do tuổi già, hưởng thọ 82 tuổi.

Nghệ sĩ Trung Kiên để lại những dấu ấn qua những ca khúc: "Việt Nam trên đường chúng ta đi", Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Người là niềm tất thắng,... Và ông còn là người thầy lớn của bao lớp học trò như nghệ sĩ Quốc Hưng, Trọng Tấn, Thu Hiền, Quang Thọ... và cậu học trò đặc biệt nhất, con trai ông - nhạc sĩ Quốc Trung.

Ngày 2.2, nghệ sĩ Chiêu Linh đột ngột mất vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 55. Ông có nhiều vai diễn nổi tiếng, nhất là vai Đức Phật trong hàng loạt vở tuồng mà soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn viết về Phật giáo.

Đến ngày 6.2, nghệ sĩ múa Mai Trung Hiếu qua đời, hưởng dương 29 tuổi. Mai Trung Hiếu mới phát hiện bệnh trọng về phổi trong thời gian ngắn và ra đi. Trước khi qua đời, anh là nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP.HCM) và có rất nhiều giải thưởng, bằng khen quan trọng trong sự nghiệp.

Nhạc sĩ Hồ Bắc, tác giả các ca khúc như Làng tôi, Bên kia sông Đuống ra đi sáng 8.2 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi. Ông bị tai biến khoảng ba năm trước, những năm cuối đời ông phải ngồi xe lăn. Nhạc sĩ Hồ Bắc được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm Làng tôi, Giữ mãi tuổi xuân, Ca ngợi Tổ quốc, Sài Gòn quật khởi, Bến cảng quê hương tôi.

hoangdung.jpeg
Nghệ sĩ Hoàng Dũng

Ngày 14.2, NSND Hoàng Dũng qua đời tại Hà Nội. Ông mất sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, hưởng thọ 65 tuổi. Ông là một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Hà Nội, được khán giả hâm mộ ở nhiều bộ phim như Người phán xử, Đàn trời, Về nhà đi con, Sinh tử. NSND Hoàng Dũng cũng là người thầy của nhiều tên tuổi diễn viên sân khấu và truyền hình nổi bật như Việt Anh, Hồng Đăng, Diệu Hương, Thanh Hương,…

Ngày 16.2, khán giả cũng nhận được “hung tin” là diễn viên Hải Đăng qua đời vì đuối nước ở tuổi 35. Hải Đăng tên đầy đủ là Nguyễn Ánh Hải Đăng, sinh năm 1986. Anh là cựu thành viên nhóm nhạc Rainbow Boys. Anh từng góp mặt trong một số bộ phim như: Ra giêng anh cưới em, Thám tử tình yêu,...

Cuối tháng 2, nghệ sĩ Văn Thành sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh gout, qua đời vì tai biến ở tuổi 59. Anh là một trong những gương mặt quen thuộc cùng thời với NSND Anh Tú, NSƯT Chí Trung của Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài sự nghiệp sân khấu, Văn Thành còn tham gia một số phim truyền hình như Chuyện phố phường, Sa ngã, Sống mãi với thủ đô, phim điện ảnh Tiếng cồng định mệnh.

nghesitranhanh.jpeg
Nghệ sĩ Trần Hạnh

Rạng sáng 4.3, NSND Trần Hạnh trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội, khép lại cuộc đời nghệ sĩ mấy chục năm cống hiến cho nghệ thuật. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 1984, nhưng mãi tới 2019 mới được phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Ông được xem là người nghệ sĩ “chuyên trị” vai đau khổ của màn ảnh Việt và rất được khán giả nhiều thế hệ yêu quý, như ông bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, Tướng về hưu,…

Cũng trong tháng 3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi. Hơn 50 năm cầm bút, ông có khoảng 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết,… và tên tuổi của nhà văn gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992, đã dựng thành phim), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001).

Vào 20.4, nhà văn Hoàng Nhuận Cầm cũng đột ngột qua đời tại Hà Nội.Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ nổi tiếng, xuất sắc với những bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri. 

Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy qua đời vào sáng 5.6. Cô hưởng dương 45 tuổi. Sau cuộc thi, cô không xuất hiện nhiều trong các hoạt động showbiz mà tập trung kinh doanh thẩm mỹ viện, viết sách, theo đuổi nghiệp MC truyền hình. Lúc sinh thời, cô được bạn bè đồng nghiệp ngưỡng mộ bởi nhan sắc và tài năng.

Ngày 13.6, đạo diễn Lê Cung Bắc trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Q.10, TP.HCM, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Ông hưởng thọ 76 tuổi. Nhiều tác phẩm truyền hình của ông đi vào lòng công chúng như: Dòng đời, Cõi tình, Xóm cũ, Ngược sóng... Thành công phải kể đến Người đẹp Tây Đô.

Tới ngày 21.7, cộng đồng yêu thích rock nhận tin buồn về rocker Trung Thành Sago ra đi ở tuổi 65 sau gần 2 tuần điều trị COVID-19. Bắt đầu chơi rock từ năm 1972 từ khi còn đi học trường cấp III, Trung Thành Sago đã dành gần cả cuộc đời với rock, được nhiều đàn em trong nghề nể phục, yêu mến.

Ngày 22.7, nhà văn Sơn Tùng - tác giả của nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Bác Hồ cũng ra đi, hưởng thọ 93 tuổi.

Ngày 4.8, nghệ sĩ Giang Còi qua đời sau gần một năm chống lại căn bệnh ung thư hạ họng. Giang Còi là diễn viên hài nổi tiếng miền Bắc, hay đóng cặp cùng Quang Tèo. Trong thời gian phát hiện bệnh nan y, anh kiên cường chống lại, chưa bao giờ ngưng lạc quan.

Tới giữa tháng 8, một người thầy lớn trong lĩnh vực âm nhạc là NSƯT Quốc Trụ, mất ở tuổi 80 sau nhiều ngày điều trị COVID-19. Ông là một trong những nghệ sĩ opera đầu tiên của Việt Nam, từng có 7 năm học ngành thanh nhạc tại Bulgaria. Nhiều học trò của ông là những nghệ sĩ thành danh như Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Nam Khánh…

Ngày 25.8, soạn giả, nghệ sĩ tuồng cổ Bạch Mai đã ra đi sau thời gian dài điều trị COVID-19, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho gia tộc Huỳnh Long chỉ trong một thời gian ngắn phải đón nhận hung tin lần thứ 3. Trước đó là nghệ sĩ Kim Phượng, qua đời ngày 25.5 nhạc sĩ Thanh Châu mất ngày 8.8.

Nghệ sĩ Bạch Mai còn rất có tài trong việc biên soạn nhiều vở tuồng nổi tiếng và là cánh tay đắc lực trong việc xây dựng, gìn giữ sự nổi tiếng của thương hiệu cải lương, tuồng cổ Huỳnh Long.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời hôm 28.9 gây sốc với đông đảo giới nghệ sĩ và khán giả, khi hai tháng trước đó, chị còn xông xáo làm thiện nguyện giữa dịch. Sau khi ca sĩ mất, Mạnh Quỳnh - bạn tâm giao của Phi Nhung - viết bản vọng cổ tiễn biệt chị: "Đêm trắng thâu đêm, nghe tiếng mưa sầu rơi rơi/ Bạn mình giờ ở nơi đâu, bên kia thế giới xa ngàn, âm dương cách trở đôi đàng".

Phi Nhung nổi tiếng từ sân khấu hải ngoại, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả khi chuyên hát các dòng nhạc đồng quê, trữ tình. Ca sĩ được hỏa táng ngày 8.10, sau đó tro cốt được nghệ sĩ Việt Hương đưa về Mỹ để con gái làm lễ tang.

Tối 21.10, đạo diễn Trần Cảnh Đôn đột ngột qua đời tại nhà vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 62 tại TP.HCM.

Trần Cảnh Đôn là một trong những gương mặt đạo diễn gạo cội của làng phim ảnh phía Nam. Ông nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Ngọc trong đá (1991), chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Đạo diễn ghi dấu ấn với khán giả qua các phim như: Đoạn cuối ở Bangkok, Cô thủ môn tội nghiệp, Khi người ta trẻ, Vòng vây tội lỗi... Ông từng phát hiện và giúp các diễn viên đắt show chỉ sau khi góp mặt trong một bộ phim như: Việt Trinh, Phương Thảo, Ngọc Thúy, Quỳnh Giao, Việt Quang... 

Chiều 15.12, nghệ sĩ Mai Thành của phim Xóm nước đen đã qua đời do bệnh tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.

Vóc dáng khắc khổ, chòm râu bạc trắng, nghệ sĩ Mai Thành thường được giao các vai lão có tính cách hiền hậu, số phận truân chuyên. Ông để lại sự yêu mến trong nhiều phim truyền hình, đặc biệt là các tác phẩm Xóm nước đen, Chuyện của Tuấn, Người đẹp Tây Đô, Long thành cầm giả ca, Khi người điên biết yêu, Giai nhân và ác quỷ,Lá sầu riêng,…

Ngày 8.12, nhạc sĩ của Phú Quang giã biệt cuộc đời ở tuổi 72 tại Bệnh viện Việt Xô. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, cố nhạc sĩ có khoảng hơn 600 ca khúc mà đa phần là những ca khúc viết về Hà Nội. Những bản tình ca Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, "âu phải bởi mùa thu"… là một trong số ít nhạc phẩm làm nên tên tuổi ông, giúp Phú Quang ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ.

Chiều 11.12, ca sĩ Ngô Quốc Linh rời xa cõi tạm sau thời gian điều trị COVID-19. Lúc sinh thời, Ngô Quốc Linh nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình - âm hưởng dân ca. Những ca khúc nổi tiếng của anh như “Chuyện tình bên ao cá”, “Chuyện hoa sim”, “Tuổi nàng 15”, “Lời người ra đi”,…

nghesithanhkimhuye.jpg
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ

Vào những ngày cuối năm, nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ “nàng Lan, Thị Hến” cũng bất ngờ từ biệt khán giả yêu sân khấu sau thời gian trị ung thư. Bà hưởng thọ 67 tuổi. Nghệ sĩ giấu kín bệnh tình đến cuối đời, chỉ có chồng - nghệ sĩ Thanh Điền - và một số đồng nghiệp hay tin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2021: Nhiều văn nghệ sĩ qua đời, năm mất mát của nền nghệ thuật Việt Nam