Tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa, nếu như vào năm 2014, số người trẻ mắc ung thư dạy dạ được phát hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chỉ có 16% nhưng đến năm 2015 con số này đã lên đến 22%.
Thông tin trên được bác sĩ Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết hôm 4.8.
Theo bác sĩ Long, nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được biết rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu và ghi nhận.
Những quần thể tiếp xúc thường xuyên với nguy cơ này nhiều và lâu ngày thì tỉ lệ ung thư dạ dày cao hơn những quần thể khác. Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày là chế độ ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm vi rút HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì tỉ lệ ung thư dạ dày sẽ cao.
Đối tượng bị mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường.
“Những người sau 40 tuổi, nếu có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm virus HP lâu dài điều trị không hết thì nên đi tầm soát ung thư. Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày là nội soi dạ dày. Bệnh lý ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị khỏi hẳn bệnh là rất cao”, bác sĩ Long khuyến cáo.
Hồ Quang