Tôi đã có nhiều dịp về thăm quê ông, ăn giỗ cùng gia đình ông. Quê hương ông ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tôi từng chứng kiến những người anh em ruột rà của ông vẫn đi đập lúa, gieo mạ trên những cánh đồng, bên cạnh những dòng kênh rạch và những rừng dừa nước quê ông, dù lúc đó ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị, là Thủ tướng của nước Việt Nam.
Tháng 8.2007, Xuân Hồng của BBC tiếng Việt phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trước đó, anh Xuân Hồng có trao đổi với tôi về việc BBC muốn có một cuộc trao đổi thực sự cởi mở và thẳng thắn với người lãnh đạo đổi mới và có một tầm nhìn xa của Việt Nam là ông Võ Văn Kiệt.
Tôi về trao đổi lại với chú Sáu. Tôi nói với chú rằng, có lẽ những người lãnh đạo Việt Nam nên có các cuộc trao đổi cởi mở và trực tiếp với truyền thông quốc tế thì bên ngoài, bạn bè và kiều bào mới hiểu được tình hình thực chất ở Việt nam. Tôi đặt vấn đề luôn, là bên Đài BBC muốn tôi báo lại với chú cho phép họ được trực tiếp gặp chú để phỏng vấn. Và theo tôi, BBC quốc tế thì có đông khán giả nước ngoài, BBC tiếng Việt thì người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại theo dõi nhiều nên tôi đề nghị chú Sáu đồng ý trả lời đài này.
Một vài tháng sau, BBC cử anh Xuân Hồng sang Việt Nam phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khi Xuân Hồng sang Việt nam, thì có trục trặc sao đó. Anh Xuân Hồng báo cho anh Hoàng Hải Vân, Tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên. Lúc đó tôi đang công tác ở Mỹ, anh Vân gọi điện sang, nhờ tôi điện về nhắc chú Sáu lời hứa hôm trước với Đài BBC. Trong điện thoại, chú hỏi tôi theo kiểu rất là Nam bộ: Tao nên trả lời như thế nào mậy? Tôi nói: Chú nói hay nhất là lúc chú nói chuyện tự nhiên như chú thường hay nói với tụi cháu ở nhà vậy. Chú cười và bỏ máy xuống, như chấp nhận lời đề nghị của tôi.
Mấy hôm sau tôi mở trang web của BBC ra nghe giọng chú Sáu trầm ấm, nói chuyện với Xuân Hồng tự nhiên như nói chuyện với người trong nhà, chứ không phải trả lời một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh nước ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn này , chú Sáu Dân nói những câu để đời, như: ”Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”...
“Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau”... “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.
Trước đó, ngày 30.3.2005, trả lời báo Quốc tế ở trong nước, ông cũng đã nhắc về sự kiện 30.4.1975, ông nói: “Một sự kiện có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”.
Tôi đã có nhiều dịp về thăm quê ông, ăn giỗ cùng gia đình ông. Quê hương ông ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tôi từng chứng kiến những người anh em ruột rà của ông vẫn đi đập lúa, gieo mạ trên những cánh đồng, bên cạnh những dòng kênh rạch và những rừng dừa nước quê ông, dù lúc đó ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị, là Thủ tướng của nước Việt Nam. Hôm nay là sinh nhật của ông, ông cũng từng cho tôi biết: ông sinh năm 1922, nhưng không nhớ được ngày, tháng sinh ra mình, vì cha mẹ nghèo sinh đông con không thể nhớ hết ngày sinh tháng đẻ, nên ông đã lấy ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23.11 để kỷ niệm ngày sinh của mình.
Nguyễn Công Khế