Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 13.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là 4.525 ca, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

24 giờ 4.525 ca tử vong do COVID-19, thêm kỷ lục buồn ở Ấn Độ

TTXVN | 19/05/2021, 06:30

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 13.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là 4.525 ca, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19.5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 164.862.693 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.417.115 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 590.543 và 12.970 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 144.905.812 người, 16.534.712 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.881 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (267.174 ca), Brazil (71.730 ca) và Argentina (35.543 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 4.525 ca), tiếp theo là Brazil (2.188 ca) và Argentina (744 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.772.560 triệu người, trong đó có 601.279 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 25.495.144  ca nhiễm, bao gồm 283.276 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 15.732.836 ca bệnh và 439.050 ca tử vong.

Ấn Độ lại kỷ lục ca tử vong mới, trên 4.500 người/24 giờ

Trong 24 giờ qua, ca tử vong mới tại Ấn Độ lại vọt lên mức mới 4.525 ca, con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, số ca nhiễm mới tại nước này lại đang giảm đáng kể, xuống quanh mức 260.000 ca so với mức trên 400.000 ca vào đầu tháng 5.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu vaccine, Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết họ hy vọng có thể bắt đầu chuyển giao vaccine COVID-19 cho sáng kiến COVAX và các quốc gia khác từ cuối năm nay, và sẽ tiếp tục ưu tiên trong nước.

Cách đây 1 tháng, sau khi tặng hoặc bán hơn 66 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đối mặt với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức cao nhất thế giới. Người phát ngôn của Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) - cơ quan sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng cho biết hiện đang tập trung vào cung cấp vaccine cho thị trường Ấn Độ. Trước đó, SII dự kiến sẽ xuất khẩu trở lại vào tháng 6 tới. 

Động thái trên đẩy nhiều quốc gia trong đó có Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều nước ở châu Phi phải đi tìm nguồn cung cấp vaccine khác thay thế. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng bảo trợ sáng kiến COVAX, ngày 17.5 đã kêu gọi các nhà sản xuất vaccine ngoài Ấn Độ tăng cường cung vaccine cho chương trình phân phối vaccine này. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đề nghị các nước trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cung cấp vaccine cho COVAX như một biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung do việc gián đoạn xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ.

Mỹ: 60% người lớn đã tiêm vaccine

Trên 158 triệu người Mỹ đã nhận ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, theo dữ liệu công bố ngày 18.5 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Con số này tương đương khoảng 60% người trưởng thành. Trong khi đó, gần 48% người trưởng thành Mỹ đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Tính chung, trên 275,5 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Một số tiểu bang đã đạt mục tiêu tiêm chủng của Tổng thống Biden, là cho ít nhất 70% người lớn với ít nhất 1 liều trước ngày 4.7 như Connecticut, Hawaii, Maine, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey và Vermont — và 18 bang khác đã tiêm đầy đủ cho ít nhất một nửa cư dân trưởng thành. 

Châu Âu cán mốc 200 triệu liều COVID-19

Theo số liệu chính thức do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp, tính đến ngày 18.5, ít nhất 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại Liên minh châu Âu (EU). Cột mốc quan trọng này chứng tỏ EU sẽ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 70% người trưởng thành, tức là khoảng 255 triệu người trên tổng số 448 triệu dân, vào cuối tháng 7 tới. Ít nhất 52,9 triệu người đã được tiêm đủ vaccine, trong đó đủ 2 liều vaccine của các hãng BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca và hay loại 1 liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Con số này tương đương 11,8 % dân số EU.

Malta đứng đầu bảng xếp hạng của EU với 32,5% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi Bulgaria đứng cuối bảng với chỉ 6,1%. Trong số các nước lớn, Đức đã tiêm đầy đủ vaccine cho 11,1% dân số, Pháp là 13,5%, Italy là 14,6% và Tây Ban Nha là 15,4%.

Tính trên toàn cầu, các nước đã tiêm 1,5 tỷ liều vaccine. Israel đã tiêm phòng đủ hai liều vaccine cho 59% dân số, con số này ở Mỹ là 35% và ở Anh là 30%.

Đức bỏ ưu tiên tiêm vaccine COVID từ đầu tháng 6

Từ ngày 7.6 tới, Đức sẽ bỏ danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và sẽ bắt đầu tiêm cho tất cả những người trưởng thành tại nước này. Với quyết định mới trên, tất cả những người trên 16 tuổi đều có thể đăng ký tiêm ở Đức, thay vì việc ưu tiên tiêm chủng theo lứa tuổi, nghề nghiệp và điều kiện sức khỏe. Hiện Đức đang triển khai tiêm chủng cho nhóm ưu tiên thứ ba, bao gồm những người trên 60 tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe hoặc làm việc trong các lĩnh vực tiếp xúc thường xuyên với khách hàng như ở các siêu thị, các luật sư hoặc lái xe buýt.

Cho tới nay, Đức đã tiêm được ít nhất 1 mũi cho 37% số người trưởng thành, trong khi trên 11% trong tổng số trên 83 triệu dân ở Đức đã được tiêm đầy đủ. Hiện nhiều bang ở Đức, trong đó có Berlin, Baden-Württemberg và Bayern, đã đi trước khi dỡ bỏ việc ưu tiên tiêm chủng bắt đầu từ đầu tuần qua. Tuy nhiên, việc đăng ký lịch tiêm chủng luôn quá tải và không dễ dàng có thể đặt được lịch tiêm dù việc ưu tiên tiêm chủng đã được dỡ bỏ.

Áo- quốc gia châu Âu thứ ba ngừng tiêm vaccine AstraZeneca

Trong một diễn biến khác, Áo đã trở thành quốc gia châu Âu thứ ba thông báo ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng đại trà vì các vấn đề về phân phối. Trước đó, Na Uy và Đan Mạch đã đưa ra quyết định tương tự sau khi ghi nhận một số ca xuất hiện tình trạng huyết khối sau tiêm.

ộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết Áo có thể tiếp tục tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine của hãng AstraZeneca đến đầu tháng 6 và sau đó sẽ không có vaccine. Theo Bộ trưởng Mueckstein, những người đã được tiêm mũi thứ nhất của AstraZeneca sẽ được tiêm nốt mũi thứ hai, nhưng các nhà chức trách sẽ quyết định loại vaccine thay thế trong trường hợp tiêm nhắc lại. Đến nay, 1/3 người dân Áo đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Ủy ban châu Âu (EC) đang kiện tập đoàn AstraZeneca vì không giao hàng triệu liều vaccine theo đúng hợp đồng.

Nhật Bản siết chặt nhập cảnh với các nước Nam Á

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về biên giới đối với những người đến từ Bangladesh, Maldives và Sri Lanka để ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ xâm nhập quốc gia Đông Bắc Á này.

Các bước siết chặt hơn nêu trên sẽ có hiệu lực từ ngày 20.5, theo đó Nhật Bản sẽ cấm nhập cảnh những người nước ngoài được cấp quy chế cư dân ở nước này đã đến Bangladesh và Maldives "trong thời gian này", trừ khi họ được chấp thuận trong những trường hợp đặc biệt.

Công dân Nhật Bản đi du lịch từ ba quốc gia trên và người nước ngoài được hưởng quy chế cư dân tại Nhật Bản đến từ Sri Lanka sẽ phải lưu lại một cơ sở được chỉ định sau khi nhập cảnh quốc gia Đông Bắc Á này trong 6 ngày và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày cuối cùng trong thời gian đó.

Hàn Quốc đối mặt nhiều biến thể mới lây lan

Hàn Quốc mới đây ghi nhận thêm 247 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại quốc gia này lên tới hơn 1.000 người. Sự xuất hiện của nhiều biến thể mới lây lan nhanh càng làm gia tăng lo ngại rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ gian nan hơn.

Các ca mắc nói trên được phát hiện từ ngày 9-15.5, gồm 195 ca lây nhiễm trong nước và 52 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại Hàn Quốc lên là 1.113 ca. Phân loại theo biến thể, có 199 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Anh, 29 ca mắc biến thể của Ấn Độ, 18 ca mắc biến thể từ Nam Phi và 1 ca mắc biến thể ở Brazil. 

Trước bối cảnh số ca nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gia tăng, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, đặc biệt siết chặt kiểm dịch đối với những người đến từ Ấn Độ, nơi dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng. Theo đó, tất cả những người đến từ Ấn Độ phải cách ly 14 ngày, trong đó có ít nhất 7 ngày cách ly tại các cơ sở được nhà nước chỉ định, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Trong 2 tuần cách ly, những người này sẽ được xét nghiệm 3 lần thay vì 2 lần như bình thường. 

Theo quy định hiện hành, tất cả người nước ngoài đến Hàn Quốc đều phải trải qua thời gian cách ly hai tuần, ngoại trừ những người đã được tiêm phòng đầy đủ tại Hàn Quốc và có xét nghiệm âm tính với virus.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
26 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
24 giờ 4.525 ca tử vong do COVID-19, thêm kỷ lục buồn ở Ấn Độ