Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Các hình thức lừa đảo gồm: “Combo du lịch giá rẻ”, gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen… Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…); lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook…
Ngoài ra, còn có hình thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Giả danh cơ quan công an, Viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng;
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Trong chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, Bộ Công an cùng Cục An toàn thông tin đã thống nhất và thống kê được 3 kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Thứ nhất, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân. Cơ quan chức năng nhấn mạnh: “Hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, trừ khi chắc chắn rằng thông tin được sử dụng có kiểm soát. Cần đảm bảo rằng bản thân chỉ cung cấp thông tin cá nhân của mình cho cá nhân và tổ chức tin tưởng”.
Thứ hai, sử dụng mật khẩu an toàn. Theo đó, mật khẩu nên dài hơn 8 ký tự và bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Người dùng nên đổi mật khẩu thường xuyên và không nên sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau.
Thứ ba, chủ động nâng cao kiến thức bảo mật. Cơ quan chức năng khuyên người dùng nên chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Sử dụng các công cụ bảo mật, như phần mềm chống vi rút và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.
Theo đánh giá của Bộ TT-TT và Bộ Công an, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt, giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Ngoài ra, đây cũng là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi người tham gia hoạt động trên môi trường mạng.