Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Tài chính và đầu tư

30 năm, hơn 190 tỉ USD kiều hối chảy về Việt Nam

Lam Thanh 27/12/2023 15:33

Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Tại hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đã trở thành một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước phồn vinh, giàu mạnh.

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tinh thần xuyên suốt là "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam".

Theo thống kê, năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 2,7 triệu người, đến nay là khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 5%/năm. Kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển.

Ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 - 12%, tương đương khoảng 600 nghìn người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng…

ngoai-te-usd.jpg
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng lớn

Ngoài ra, lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000 - 150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước khi trở về. Họ có kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.

Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Australia…, giúp hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.

Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như nghị sĩ liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố…

Số người Việt Nam/gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Bà con kiều bào ngày càng phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam; có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

quang.jpeg
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với bà con kiều bào, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực trong những năm qua nhưng với truyền thống chịu thương chịu khó, bản lĩnh và ý chí vươn lên, bà con đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, xây dựng cộng đồng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bên cạnh việc đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội tại nước sở tại, bà con kiều bào cũng luôn hướng về quê hương, đất mẹ, đóng góp thiết thực hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tri thức, kinh nghiệm đến nguồn lực vật chất.

Năm 2022, lượng kiều hối đạt 19 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Ước tính năm 2023, chỉ tính riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong 11 tháng đạt gần 9 tỉ USD, tăng hơn 35% so với năm 2022.

Đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tham gia nhiều hoạt động hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy vai trò cầu nối, đưa nền khoa học, giáo dục của Việt Nam ngày càng tiệm cận với thế giới, đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Phó thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một cách thực chất, chỉ ra những điểm nghẽn, khó khăn cần tháo gỡ và đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung cũng như của các địa phương.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc lắng nghe, trao đổi, làm rõ, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của kiều bào tại Hội nghị trên tinh thần thực sự cầu thị, vì mục đích cao nhất là phát huy nguồn lực của bà con kiều bào cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30 năm, hơn 190 tỉ USD kiều hối chảy về Việt Nam