Cuối giờ chiều 6.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

4 quy định khác với luật sẽ được áp dụng để chống COVD-19

Lam Thanh | 06/08/2021, 21:15

Cuối giờ chiều 6.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định các biện pháp đặc thù, đặc cách và đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Điều này nhằm tăng tính chủ động cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đáp ứng yêu cầu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Quốc hội.

quoc-hoi.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường - Ảnh: VPQH

Theo đó, việc ban hành nghị quyết này là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là tại TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía nam.

4 quy định khác luật sẽ được áp dụng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét quyết định về các nội dung trong dự thảo quy định khác với quy định của luật hiện hành.

Theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Theo đó, về việc quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung của Khoản 2 Điều 2 của dự thảo nghị quyết quy định “Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động” (quy định này khác với quy định Điều 42 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh).

Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này đến hết ngày 31.12.2022 và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quy định tại Khoản 3 Điều 2 của dự thảo nghị quyết giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đề nghị chỉ giới hạn phạm vi ban hành thủ tục hành chính ở các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến dịch COVID-19.

Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh nền khác (như tiểu đường, tim mạch, thận...) thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo nghị quyết giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Điều này khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội.

Đồng thời, đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy ở các địa phương trong quá trình thực hiện, tránh việc làm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thực sự cấp bách, không trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Ủy quyền mạnh trong tổ chức thực hiện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý rằng, để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của nghị quyết làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan chủ động áp dụng.

Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn”. Việc này nhằm tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng. Thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện, thiếu nhất quán hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Dự thảo nghị quyết cũng cần giao trách nhiệm cho một cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm cả những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này nhằm thực hiện nội dung quy định tại điểm 3.7 của Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành các văn bản để phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và xem xét, phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Nhất là trong tổ chức thực hiện thống nhất trong khung chính sách cho phép để đảm bảo thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Bài liên quan
Hà Nội thêm 40 ca mắc COVID-19 mới trong chiều 6.8
Theo Sở Y tế Hà Nội, thêm 40 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 25 trường hợp tại cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 quy định khác với luật sẽ được áp dụng để chống COVD-19