UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với phương châm “vắc xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”.

Hà Nội: Vắc xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó

Lam Thanh | 06/08/2021, 10:54

UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với phương châm “vắc xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2526/UBND-TKBT về tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021.

Quyết tâm cao nhất để sớm đẩy lùi dịch COVID-19

UBND thành phố yêu cầu từng cấp, ngành, đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch vừa qua trên địa bàn thành phố. Trong bất cứ tình huống nào tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các trường hợp về Hà Nội từ vùng có dịch phải được rà soát, quản lý theo từng địa bàn, đồng thời, theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn khai báo, cách ly y tế theo đúng quy định...

Ngoài ra, kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”. Xử lý khẩn trương, quyết liệt khi có ca nhiễm mới; rà soát kỹ F0, cách ly triệt để các trường hợp F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới.

"Khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và các ổ dịch khác trong thời gian sớm nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn", văn bản nêu.

vac-xin.jpg
Hà Nội chỉ đạo nhanh chóng tiêm vắc xin cho người dân - Ảnh: Internet

UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... và nghi nhiễm SARS-CoV-2 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Khẩn trương rà soát, bổ sung năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế đạt tiêu chuẩn.

Song song với đó, tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng.

Đồng thời triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố với phương châm “vắc xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, quy định, an toàn, hiệu quả.

UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức tốt hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội; đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, mất ổn định thị trường.

Ngoài ra, kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chính sách hỗ trợ. Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân sai phạm, cố tình gây khó khăn, chậm trễ trong triển khai thực hiện.

Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

UBND Thành phố yêu cầu ngay từ đầu tháng 8, các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch COVID-19; đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố theo từng lĩnh vực.

Đồng thời, tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng; xem xét giãn, hoãn các khoản thuế, phí phù hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài khi tình hình dịch ổn định…

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố triển khai Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; đề xuất danh sách, đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ giảm tiền điện theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, trình UBND thành phố trong tháng 8.2021.

Công an thành phố đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố; không để phát sinh các vụ việc gây rối mất ổn định tình hình Thủ đô, đặc biệt trong thời gian thành phố đang tổng lực phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy tại các nhà chung cư, kho bãi, nhà xưởng, kho hàng hóa,…

Bài liên quan
“Ý thức chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người dân là rất tốt”
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã đánh giá như thế về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiện nay trên địa bàn TP.HCM tại buổi cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 5.8.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Vắc xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó