Gần 34 triệu người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, chiếm 60% dân số toàn vùng; 4 triệu người còn có hành vi phóng uế trực tiếp ra môi trường; hàng triệu trẻ em bị thấp còi, kém trí tuệ do sống trong điều kiện vệ sinh kém; mỗi năm nhà nước tổn thất 1 tỷ USD cho vệ sinh môi trường.
Đó là những thông tin được phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết tại hội thảo tham vấn nghiên cứu và thúc đẩy vệ sinh nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 24.9 tại Cần Thơ.
Đây chính là nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tái đi tái lại trong vùng; dịch tiêu chảy cũng luôn rình rập, đe dọa sức khỏe trẻ em. Đỉnh điểm là 300.000 ca tiêu chảy trong năm 2010.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra của vùng cũng bị ảnh hưởng do rộ lên thông tin cá tra Việt Nam được nuôi bằng phân người trực tiếp thải xuống ao. Trong khi thực tế, nguồn cá tra xuất khẩu được nuôi trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bà Lene Jensen, Chuyên gia Chương trình Nước và Vệ sinh, Ngân hàng Thế giới, cho rằng: Để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên hiệp quốc sẽ xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi, 100% người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2025, các nhà chính sách phải phối hợp chặt chẽ với truyền thông để tuyên truyền, thay đổi hành vi, thói quen cho người dân nông thôn. Ngân hàng Thế giới sẽ chung tay hỗ trợ người nghèo xây nhà vệ sinh hợp chuẩn.
Theo TTXVN