Theo một nghiên cứu của John Archer về quan hệ giữa chó và người trên phương diện tiến hóa, khoảng 40% số người xem chó là một thành viên trong gia đình mình, chứ không phải là một vật nuôi.
Một nghiên cứu đăngtrênScience Advancedcho thấy gen của chó khiến chúng đặc biệt dễ tiếp nhận sự thuần hóa và các hành vi có thiên hướng xã hội. Nói một cách ngắn gọn, đột biến gen khiến loài chó ở trong tình trạng giống như một đứa trẻ, vì vậy chúng luôn tìm kiếm sự chú ý và tương tác.
Năm 2013, từng có thí nghiệm cho thấy loài chó sẽ có hành vi gắn bó với bất cứ thứ gì cung cấp cho chúng thức ăn và chỗ ở, thậm chí robot. Tuy nhiên trong thí nghiệm này, khi robot được trang bị giọng nói và khuôn mặt giống người thì con chó thể hiện sự tương tác rõ ràng hơn.
Nghiên cứu năm 2017 đưa ra một cơ chế ảnh hưởng đến hành vi của chó, cụ thể là sự thân thiện. Bằng cách phân tích gen từ nhiều giống chó và sói, nhà khoa học đến từ Đại học Oregon xác định được 4 đột biến ảnh hưởng đến hành vi xã hội của loài động vật 4 chân này.
Đặc biệt, khi một gen được gọi là WBSCR17 ở con người bị xóa đi có thể dẫn đến hội chứng Williams-Beuren, trong đó hành vi xã hội bị ảnh hưởng và khiến người mắc trở nên thân thiện quá mức.
Các nghiên cứu cho thấy chó là loài có nhiều hành vi giống con người hơn rất nhiều loài khác. Trí tuệ của loài chó cũng là một nhân tố khác khiến con người cảm thấy mình có thể dễ dàng giao tiếp với chúng, và từ đó tạo nên sự gắn bó.
Hơn thế nữa, chó cũng có vẻ như dễ dàng đồng cảm với trạng thái tâm lý của chủ, và biết cách phản ứng. Bạn có thể thấy chúng bày tỏ sự ăn năn khi chủ tức giận, hoặc quấn quít lấy bạn khi vui mừng mà không hề cần được huấn luyện. Tất cả những điều này khiến chó trở thành một thành viên được yêu quý trong gia đình.
Hà Anh