Theo số liệu thống kê, sau 4 năm thực hiện chủ trương, mới chỉ có 50 trong tổng số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển thành công ty cổ phần (CTCP), chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

50.000 đơn vị sự nghiệp công lập nắm gần 1 triệu tỷ đồng vốn và tài sản nhà nước

tuyetnhung | 12/12/2019, 06:02

Theo số liệu thống kê, sau 4 năm thực hiện chủ trương, mới chỉ có 50 trong tổng số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển thành công ty cổ phần (CTCP), chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

Mô hình sự nghiệp công lập manh mún

Tại Hội thảo “Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Hiện trạng và giải pháp chính sách” ngày 11.12, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 50.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), nắm giữ vốn tài sản nhà nước gần 1 triệu tỉ đồng (gần tương đương quy mô vốn và tài sản của khu vực DNNN), tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, tổ chức và họat động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại. Hệ thống tổ chức các đơn vị còn cồng kềnh, manh mún; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL còn quá lớn. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, việc xã hội hóa còn chậm.

Chính vì vậy, theo ông Tiến, để phù hợp với quy định pháp lý và đặc thù khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần, trong đó quy định rõ đối tượng, điều kiện, hình thức, nhà đầu tư, cơ chế xử lý tài chính sau khi chuyển đổi…

Cụ thể, về đối tượng chuyển đổi, dự thảo đề xuất bao gồm các ĐVSNCL thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, TP, quận, huyện, thị xã; thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh; thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…

Để chuyển đổi, các ĐVSNCL phải tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Sẽ bổ sung thêm 2 hình thức chuyển đổi là bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu…

Từ nghiên cứu kinh nghiệm tại một số nước, bà Nguyễn Thị Lê Thu, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, về nguyên tắc nên thực hiện đối với các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, qua đó mang lại lợi nhuận cho công ty.

Về điều kiện chuyển đổi, bà Thu cho rằng, quá trình xây dựng khung pháp lý cần quy định rõ cơ chế tài chính, quyền sở hữu, xử lý tài sản, sử dụng đất, quản lý giám sát của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với người lao động. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ của các ĐVSNCL sau khi chuyển đổi, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm. Với những lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, xử lý rác thải… Nhà nước cần quản lý giá nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.

“Việc chuyển đổi cũng cần thực hiện theo lộ trình và gắn với cơ chế tự chủ. Trước mắt, thực hiện chuyển đổi các ĐVSNCL đã tự chủ cả chi đầu tư và thường xuyên”- bà Thu góp ý.

Mô hình tài chính thay đổi lớn

Việc chuyển đổi đơn vị SNCL sang công ty cổ phần là một bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lý, tài chính đang từ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận chuyển sang loại hình hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Do đó, Ths Hà Thị Tường Vy - Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, công tác kế toán có một sự thay đổi rất cơ bản, từ hạch toán thu - chi chuyển sang hạch toán kinh tế, xác định rõ các khoản chi phí, doanh thu hay nói cách khác các ĐVSNCL đang quen với Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp chuyển sang chế độ kế toán doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán phân định rạch ròi về tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả;

Xác định rõ thời điểm ghi nhận doanh thu - chi phí, xác định kết quả hoạt động, phân chia kết quả. Những nội dung mà kế toán cần xử lý đó là ghi nhận kết quả kiểm kê tài sản, xử lý tài sản thừa thiếu trong kiểm kê, nhượng bán, chuyển giao các tài sản không cần dùng, các tài sản thuộc công trình phúc lợi; Xử lý các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có); Kế toán xử lý số dư các quỹ: Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập; Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động thu nhập; Kế toán chênh lệch đánh giá lại giá trị tài sản khi xác định giá trị ĐVSNCL…

Kế toán khi bàn giao cho công ty cổ phần cần mở sổ kế toán mới và ghi nhận các khoản TS, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên cơ sở biên bản, hồ sơ bàn giao, báo cáo tài chính đã được KTNN thực hiện kiểm toán.

Đề xuất giải pháp xử lý số dư tiền mặt và tài sản hình thành từ nguồn Quỹ khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần, bà Nguyễn Thu Thúy - Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định: Chi bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động; chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; phần còn lại chia cho người lao động theo số tháng công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Ngoài ra, bà Thúy cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với các công trình, dự án dở dang; nghiên cứu quy định xác nhận vay nợ đối với các dự án vay nợ nước ngoài, dự án viện trợ không hoàn lại nhưng chưa kết thúc dự án…

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), câu hỏi đặt ra là những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ phù hợp với chuyển đổi; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận như thế nào. Bà Quyên cho rằng, kể cả ở những nước phát triển thì Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết một số dịch vụ công thiết yếu cho người dân như giáo dục. Do đó, dự thảo cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công sau khi các ĐVSNCL chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Sau chuyển đổi, doanh thu bình quân của doanh nghiệp tăng từ 14.950 triệu đồng lên 46.876 triệu đồng (tăng 214%), lợi nhuận bình quân tăng từ 667 triệu đồng lên 4.081 triệu đồng (tăng 503%). Mặc dù vẫn còn các đơn vị làm ăn thua lỗ, doanh thu giảm sút nhưng nhìn chung đa phần các đơn vị sau khi chuyển đổi thành CTCP đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động, theo số liệu của SCIC và các Bộ, ngành, địa phương cung cấp, thu nhập trung bình của người lao động tại các DN chuyển đổi từ ĐVSNCL tăng gần 30% so với thời điểm chuyển đổi.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
50.000 đơn vị sự nghiệp công lập nắm gần 1 triệu tỷ đồng vốn và tài sản nhà nước