Theo số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố sáng 29.6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2017 giảm 0,17% so với tháng trước, nhưng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. Còn CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%.

6 tháng đầu năm: CPI tăng mạnh và nhập siêu 2,7 tỉ USD

Trí Lâm | 29/06/2017, 14:12

Theo số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố sáng 29.6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2017 giảm 0,17% so với tháng trước, nhưng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. Còn CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%.

CPI tăng mạnh nhờy tế, giáo dục

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng giá không đáng kể: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Có 3 nhóm hàng giảm giá, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 0,59%, giao thông giảm 0,71%, bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm là giá dịch vụ y tế tăng 23,43%; một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 2,07% so với cuối năm 2016; mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1.1.2017 khiến giá một số loại dịch vụ có mức tăng giá từ 3% - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng đồ uống và thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết Nguyên Đán do nhu cầu tăng, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,63% và 1,12% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá mạnh, bình quân từ thời điểm 1.1.2017 đến thời điểm 15.6.2017 ở mức 52,05 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 41,1 USD/thùng của bình quân 6 tháng đầu năm 2016.

Trong nước, giá xăng dầu tính đến ngày 15.6.2017 được điều chỉnh tăng 3 lần, giảm 5 lần, tổng cộng giá xăng giảm 230 đồng/lít; dầu diezel tăng 5 lần, giảm 5 lần, tổng cộng giá dầu tăng 270 đồng/lít;làm cho giá xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 18,99% so với cùng kỳ góp phần tăng CPI chung 0,83%.

Ngoài ra, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 3,3%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 5,27%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng tăng 1,02%.

Những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI là chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ làm chỉ số CPI chung giảm khoảng 0,39%, chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống. Giá thịt lợn giảm 23,20% so cùng kỳ năm trước và giảm 21,54% so với cuối năm 2016 do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.

Lạm phát cơ bản tháng 6.2017 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

DN bất động sản tăng mạnh

Tính đến ngày 20.6.2017, cả nước có 23.594 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 162,57 tỉ USD, bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tưFDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 180,68 tỉ USD, chiếm 58,98% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 50,99 tỉ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 18,83 tỉ USD (chiếm 6,14% tổng vốn đầu tư).

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 5,08 tỉ USD, chiếm 26,45% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,95 tỉ USD, chiếm 25,79% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,48 tỉ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.

Trong nước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm ngoái.Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tới có 2.279 doanh nghiệp, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn mà các doanh nghiệp mới ra đời đăng ký đầu tư ở lĩnh vực bất động sản cũng tăng tới 42,2%.

Theo đó, trung bình có 76 doanh nghiệp mới ra đời trong lĩnh vực này mỗi ngày. Bên cạnh đó, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở lĩnh vực này cũng tăng 8,4% (có 257 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế đến 20.6.2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đã thu hút được 618 dự án, với tổng vốn 50,99 tỉ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, sau công nghiệp chế biến chế tạo.

Nhập siêu 2,7 tỉ USD trong 6 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 ước tính đạt 17,8 tỉ USD, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 97,8 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỉ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỉ USD, tăng 21%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 18 tỉ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 100,5 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỉ USD, tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,6 tỉ USD, tăng 28,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính nhập siêu 200 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu 2,70 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,92 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,22 tỉ USD.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 tháng đầu năm: CPI tăng mạnh và nhập siêu 2,7 tỉ USD