Bạn hãy xem xét hai câu sau. Câu thứ nhất: “Cuộc sống và việc làm kinh tế tựa như các mùa”. Câu thứ hai: “Bạn không thể thay đổi các mùa nhưng bạn có thể thay đổi bản thân”.
Bây giờ, với sự dẫn đường của hai câu nói trên, chúng ta hãy nhìn vào các mùa của cuộc sống và xem bạn có thể ứng xử với các mùa như thế nào cho tốt nhất:
Mùa đông: Mùa để trở nên mạnh mẽ
Đầu tiên hãy học cách ứng xử với mùa đông. Có đủ mọi loại mùa đông. Có mùa đông kinh tế, khi những con sói tài chính đến ngay trước cửa nhà; có mùa đông thể chất, khi sức khỏe của chúng ta đáng lo ngại; có mùa đông của riêng mỗi người, khi trái tim chúng ta tan nát. Những ngày đông giá. Những nỗi thất vọng. Cảm giác cô đơn. Những bản nhạc buồn được viết ra trong tình cảnh đó.
Vậy thì câu hỏi quan trọng là chúng ta nên ứng xử với mùa đông như thế nào. Trước khi hiểu được cách tốt nhất là hãy dùng mùa đông để phát triển cá nhân, tôi thường dành những mùa đông của mình để chỉ mong chờ mùa hạ. Và rồi, cuối cùng, khi tôi đang trải qua một mùa kinh doanh sa sút, ông Shoaff nói: “Đừng trông mong nó sẽ dễ dàng hơn, mà hãy mong mình vững vàng hơn. Đừng trông mong có ít chuyện trục trặc hơn, hãy mong mình có nhiều kỹ năng hơn. Đừng mong có ít thử thách hơn, hãy mong mình khôn ngoan hơn”. Kể từ đó, dù không thể hoan nghênh mùa đông nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tôi đã sử dụng những mùa đông của mình để chuẩn bị sẵn sàng năng lượng mà tăng tốc cho mùa xuân – mùa luôn đến sau mùa đông.
Mùa xuân: Mùa để tận dụng
Hãy học cách tận dụng mùa xuân. Hãy là nơi chốn tuyệt vời cho mùa xuân hiện diện, ngay sau mùa đông. Cơ hội thường theo sau khó khăn. Sự phát triển theo sau sự sa sút – đều đặn và chính xác như bộ máy bên trong chiếc đồng hồ.
Mùa xuân là thời gian để tận dụng ưu thế. Đừng để thời tiết ấm áp dễ chịu làm bạn xao lãng. Nếu bạn muốn mùa thu đến một cách tốt đẹp thì đây là thời điểm bạn cần gieo hạt. Trong thực tế, chúng ta phải trở nên thật tài giỏi ở một trong hai việc: hoặc là trở thành người giỏi trồng trọt trong mùa xuân, hoặc là phải học cách ăn xin khi mùa thu đến.
Vì vậy hãy bận rộn trong mùa xuân. Mỗi người chúng ta chỉ có một số mùa xuân trong đời. Ban nhạc The Beatles từng viết: “Cuộc đời quá ngắn”. Và với John Lennon, khi anh ấy ở trên đường phố New York vào khoảnh khắc đó, thì cuộc đời thật sự ngắn ngủi. John Lennon là một trong các thành viên của ban nhạc rock lừng danh The Beatles. Ông bị ám sát vào năm ông 40 tuổi, ngay trước cửa nhà riêng ở New York vào năm 1980.
Mùa hạ: Mùa để chăm sóc
Hãy học cách chăm sóc và bảo vệ mùa màng của bạn trong suốt mùa hè. Bạn cần biết chắc rằng ngay khi bạn gieo trồng, côn trùng và cỏ dại sẽ tìm mọi cách phá hoại mùa màng của bạn. Và chúng sẽ thành công, trừ khi bạn ngăn ngừa chúng. Một phần của thành công là học được cách bảo vệ những gì mình tạo ra. Và đó là bài học lớn nhất của mùa hè.
Đây là hai sự thật mà bạn sẽ học được trong suốt những mùa hè của mình: Thứ nhất, tất cả những gì tốt đẹp đều sẽ bị tấn công. Tôi không biết tại sao, nên đừng buộc tôi phải đưa ra lý do. Tôi chỉ biết đó là sự thật. Mọi khu vườn đều sẽ bị xâm lấn. Nếu không hiểu được điều này thì bạn quá ngây thơ.
Thứ hai, mọi giá trị đều phải được bảo vệ. Mọi giá trị – xã hội, chính trị, hôn nhân, thương mại – đều phải được bảo vệ. Mọi khu vườn phải được chăm sóc trong suốt mùa hè. Nếu bạn không bảo vệ những gì mình tin tưởng, bạn sẽ chẳng còn lại gì khi mùa thu đến.
Mùa thu: Mùa để nhận lấy trách nhiệm
Mùa thu là mùa chúng ta gặt lấy thành quả từ mùa xuân và mùa hạ của mình. Sự trưởng thành có thể được định nghĩa bằng khả năng nhận lấy trách nhiệm về những mùa vụ mà chúng ta đã chăm sóc, dù bội thu hay ít ỏi.
Chịu trách nhiệm hoàn toàn là một trong những hình thức cho thấy độ trưởng thành cao nhất của mỗi người, và cũng là một trong những điều khó nhất. Đó là ngày bạn bước qua tuổi thơ để trở thành người lớn. Hãy học cách chào đón mùa thu mà không phải hối lỗi hay than vãn – không hối lỗi nếu bạn đã làm tốt và cũng không than vãn nếu bạn đã làm không tốt. Điều này thật không dễ nhưng là điều mà người trưởng thành cần làm.
Khi chưa trưởng thành, tôi từng gặp rất nhiều vấn đề trong chuyện này. Để phòng khi bị hỏi đến, tôi luôn mang theo bên mình một danh sách những lý do để giải thích tại sao tôi không làm tốt. Danh sách của tôi, mà tôi gọi bằng cái tên dễ đoán “Những lý do không làm tốt”, có rất nhiều chứng cớ ngoại phạm.
Tôi đổ lỗi cho chính quyền, cho các loại thuế, cho giá cả, rồi thời tiết, giao thông, những mối quan hệ tiêu cực… Bạn thấy đó, tôi có vô vàn lý do thuyết phục cho việc mình đã làm không tốt. Ít ra tôi đã nghĩ vậy. Shoaff rất tốt bụng nhưng ông ấy cũng trực tính. Một ngày nọ ông ấy nhìn tôi với vẻ khác lạ và hỏi: “Jim, tôi hỏi vì tò mò thôi, cậu có thể cho tôi biết tại sao cho đến giờ cậu vẫn chưa làm tốt mọi thứ không?”.
Chà, để cho thấy mình không đến nỗi tệ, tôi quyết định nêu ra hết mọi lý do trong danh sách của mình. Không hiểu sao tôi đã có đủ can đảm để làm việc đó. Tôi kể ra hết các mục trong “tờ sớ” dài lê thê này – chính quyền, các loại thuế má, giá cả – tất tần tật mọi thứ. Ông ấy kiên nhẫn lắng nghe. Khi tôi nói xong, ông ấy săm soi danh sách của tôi trong giây lát. Cuối cùng, ông ấy lắc đầu và nói: “Chỉ có một điểm sai trong danh sách của cậu... Cậu không có trong đó”.
Ngay sau đó, tôi xé đi danh sách “Những lý do không làm tốt” của mình rồi lấy ra một tờ giấy mới và viết vào một từ ở trên cùng: “Tôi”. Tôi từng đổ lỗi cho mọi thứ bên ngoài về sự thiếu tiến bộ của mình cho đến khi tôi nhận ra rằng vấn đề ở bên trong chính mình.
Không phải những gì xảy ra quyết định kết quả. Điều gì xảy ra sẽ xảy ra. Và nó có thể xảy ra với tất cả mọi người. Hai anh em trai có cùng một người cha nghiện rượu và hay dùng vũ lực; một người sau này trở thành tội phạm và người kia trở thành một thẩm phán. Làm thế nào chuyện đó lại xảy ra? Bởi vì điều quan trọng không phải là những gì xảy ra, mà là cách chúng ta ứng xử trong những tình huống đó. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Mỗi người đều có câu chuyện của mình. Một vài người nói: “Vâng, nhưng ông không hiểu được những nỗi thất vọng mà tôi từng trải qua”. Thôi nào! Ai cũng có những nỗi thất vọng. Những tình huống đáng thất vọng không phải là những món quà đặc biệt chỉ dành cho riêng bạn. Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ làm gì trong những tình huống đó.