Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết ''Mẹ chồng'' không chỉ đơn thuần là một bộ phim khai thác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã quá quen thuộc với khán giả mà còn đề cao những giá trị nữ quyền cũng như khắc họa chân thật hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xưa.

7 điều bạn cần biết về 'Mẹ chồng', phim mới sau 2 năm vắng bóng của Thanh Hằng

25/07/2017, 21:14

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết ''Mẹ chồng'' không chỉ đơn thuần là một bộ phim khai thác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã quá quen thuộc với khán giả mà còn đề cao những giá trị nữ quyền cũng như khắc họa chân thật hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Tạo hình của Thanh Hằng trong Mẹ chồng

Chiều 25.7, đoàn phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng đã có buổi ra mắt trang trọng tại bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phim này hiện đang thu hút nhiều sự chú ý từ phía khán giả lẫn giới truyền thông do sở hữu dàn diễn viên trẻ và nổi tiếng như Thanh Hằng, Diễm My, Lan Khuê, Midu, Lâm Vinh Hải, Song Luân, Quốc Cường và Ngọc Quyên.

Dưới đây là 10 điều bạn cần biết về Mẹ chồng trước khi bộ phim được công chiếu vào cuối năm nay:

Ekip làm phim tại buổi ra mắt

Quân át chủ bài của Thanh Hằng

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thanh Hằng đã nói đùa rằng: "Sau hai năm trở lại, phải lợi hại hơn xưa!". Điều này chứng tỏ siêu mẫu 34 tuổi này đã phải suy nghĩ rất kĩ trước khi lựa chọn Mẹ chồng là dự án điện ảnh đánh dấu sự trở lại của mình.

Trong phim, Thanh Hằng vào vai cô Ba Trân (38 tuổi), một người phụ nữ Nam Bộ chịu nhiều ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo, phong kiến. Tuy sinh trưởng trong gia đình làm thuốc nam nhưng ở cô luôn toát lên vẻ thông minh, sắc sảo và quyền lực.

Sau khi lấy cậu Hai Nhứt, con trai duy nhất của ông Hội đồng Huỳnh Văn Lịnh, cô trở thành Mợ Hai Nhứt. Làm dâu trong gia đình giàu nức tiếng vùng Đại Điền không hề dễ dàng. Ba Trân luôn phải chịu nhiều bất hạnh từ những quy củ hà khắc từ nhà chồng. Và theo thời gian, cô dần thay đổi để trở thành một người phụ nữ độc đoán.

Mặc dù chưa từng kết hôn và làm mẹ chồng thế nhưng Thanh Hằng cho biết cô đã phải tìm hiểu rất nhiều trường hợp tương tự ngoài đời thật để có thể hóa thân thành cô Ba Trân.

Lý Minh Thắng đảm nhận vai trò đạo diễn

Đạo diễn Lý Minh Thắng

Sau thành công của Sài Gòn, anh yêu em, Lý Minh Thắng được xem là một trong những đạo diễn trẻ sáng giá nhất hiện nay. Mẹ chồng là dự án đã tốn rất nhiều thời gian của anh cũng như gây ra không ít áp lực.

"Tôi nghĩ trong bộ phim thứ 2 này, tôi sẽ có cơ hội định hình cho công chúng thấy được hướng điện ảnh và tư duy làm phim của mình. Chính vì thế, ngay khi nhận kịch bản Mẹ chồng , tôi đã tập trung ngay vào việc xây dựng tuyến nhân vật và những nút thắt trong phim. Bộ phim được ekip đầu tư khá kĩ lưỡng về phần nhìn, từ phục trang cho đến bối cảnh. Tôi mong đợi khán giả sẽ được thưởng thức những thước phim đẹp, mãn nhãn bên cạnh cốt truyện hấp dẫn", đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết.

Bối cảnh Việt Nam thập niên 40

Mẹ chồng lấy bối cảnh Việt Nam vào những năm 1945-1950. Đó là giai đoạn còn nhiều biến cố nhập nhằng giữa những tư tưởng phương Tây mới du nhập và ý thức hệ phong kiến xưa cũ. Thân phận người phụ nữ khi ấy chẳng khác gì lá bèo trôi dạt giữa dòng đời vô định. Mặc dù vậy, các nhân vật trong phim lại đi ngược lại với định kiến thông thường. Họ một mặt vẫn vun vén, phụng sự, yêu thương và quý trọng tổ tiên nhà chồng, một mặt lại đấu tranh cho khát khao hạnh phúc của bản thân mình.

Hầu hết những cảnh phim của Mẹ chồng được thực hiện trong một căn nhà cổ rất lớn có tuổi thọ hơn 100 năm ở Nha Trang. Theo đạo diễn Lý Minh Thắng, căn nhà này đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của đoàn phim về không gian của câu chuyện.

Không ăn theo trào lưu "mẹ chồng" và đề cao nữ quyền

Poster của phim

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết Mẹ chồng sẽ có góc nhìn mới lạ hơn so với những bộ phim có chủ đề tương tự được trình chiếu trong thời gian gần đây. Anh cho biết đây là một dự án điện ảnh trên nền giao thoa giữa văn hóa hiện đại và truyền thống của Việt Nam.

"Chúng tôi muốn lồng ghép các yếu tố nữ quyền, âm nhạc, sự xa hoa, lộng lẫy, vốn được truyền cảm hứng từ các bộ phim nổi tiếng như Maleficent , Once Upon A time hay Snow White and the Huntman". Với Mẹ chồng , chúng tôi muốn chia sẻ sự đồng cảm với những người phụ nữ luôn phải đối mặt với các quan niệm Nho giáo. Họ được nuôi dạy và yêu thương bởi một gia đình nhưng khi lớn lên, họ lại chịu áp lực phụng sự cho một gia đình khác", đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết.

Phim không chỉ có 1 mẹ chồng

Diễm My sẽ vào vai mẹ chồng của Thanh Hằng

Thanh Hằng không phải là mẹ chồng duy nhất trong phim. Nữ diễn viên gạo cội Diễm My sẽ đảm nhận vai mẹ chồng của Thanh Hằng, bà Hai Lịnh. Dù đã bước sang tuổi 60 thế nhưng bà Hai Lịnh vẫn luôn toát ra vẻ quyền lực và sở hữu sức ảnh hưởng lớn đến gia đình. Bị liệt, không nói được, chỉ có đôi mắt vẫn đầy uy quyền pha lẫn sự giận dữ và cả sự bất lực. Mối quan hệ giữa bà Hai Lịnh và Mợ Hai Nhứt ngoài mặt vẫn luôn tốt đẹp nhưng sự thật bên trong thì không ai rõ.

Mối tình tay 3

Lan Khuê cho biết tông tím trong trang phục của cô đã nói lên tính cách chịu thương chịu khó của nhân vật Tư Thì trong phim
Lâm Vinh Hải vào vai Hai Phước, con trai độc nhất của cô Ba Trân
Mi Du vào vai vợ 2 của Hai Phước

Hai Phước (Lâm Vinh Hải đóng) là một chàng trai 19 tuổi, con trai duy nhất của cô Ba Trân và là cháu đích tôn của gia đình. Hai Phước khá khờ khạo và có dấu hiệu của hội chứng chậm phát triển. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã kết hôn với Tư Thì (Lan Khuê đóng), một người con gái lớn hơn anh 14 tuổi.

Tư Thì khéo ăn, khéo nói, rất giỏi việc nhà, luôn để ý đến quy củ phép tắc và rất sợ cô Ba Trân. Đáng tiếc, Tư Thì lại không thể sinh được đứa con nào cho Hai Phước, khiến cho cô Ba Trân cưới thêm Tuyết Mai (Mi Du đóng) về làm vợ 2. Đó là một cô gái trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Trang phục do Thủy Nguyễn thiết kế

Có thể nói, việc dàn diễn viên xuất hiện tại buổi ra mắt với tạo hình trong phim đã cho thấy nhà sản xuất rất đề cao tính thẩm mỹ của phim.

Phần phục trang của Mẹ chồng do NTK Thủy Nguyễn phụ trách. Từ khi khai nghén kịch bản đến khi bấm máy, hàng ngàn bản phác thảo trang phục đã được đưa ra để thảo luận, nhờ vậy ekip làm phim mới đi đến thống nhất về tạo hình. Qua các họa tiết hoa cùng kỹ thuật thêu, đính được thể hiện tinh tế, Thủy Nguyễn đã góp phần làm nên nét duyên, cá tính của từng nhân vật.

Thủy Nguyễn là NTK đứng đằng sau thành công của bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể và hiện đang phụ trách dự án Cô Ba Sài Gòn.

Mẹ chồng đã đóng máy vào đầu tháng này và đang trong giai đoạn hậu kỳ, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 12 năm nay.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
30 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 điều bạn cần biết về 'Mẹ chồng', phim mới sau 2 năm vắng bóng của Thanh Hằng