Theo một nghiên cứu của Đại học Sydney, các ngôi sao âm nhạc có tuổi thọ trung bình thấp hơn dân số Mỹ khoảng 25 năm. Đặc biệt, những ca sĩ nhạc rock thường phải chịu rất nhiều áp lực dẫn đến việc tự tử.

Vì sao Chester Bennington và các ngôi sao nhạc rock thường chết trẻ?

23/07/2017, 10:42

Theo một nghiên cứu của Đại học Sydney, các ngôi sao âm nhạc có tuổi thọ trung bình thấp hơn dân số Mỹ khoảng 25 năm. Đặc biệt, những ca sĩ nhạc rock thường phải chịu rất nhiều áp lực dẫn đến việc tự tử.

Chỉ trong hai năm 2016 và 2017, nhiều tượng đài của dòng nhạc rock đã bất ngờ ra đi trong sự tiếc nuối của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới như Prince, David Bowie, Nick Menza, Chris Cornell, Gregg Allman, Chester Bennington... Bên cạnh căn bệnh ung thư, hầu hết nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ là do lạm dụng chất kích thích và rượu cũng như bị trầm cảm lâu ngày dẫn đến tự sát.

Ma túy, rượu và tình dục dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các ngôi sao nhạc rock. Họ bị phê phán bởi lối sống phóng túng và không tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Tuy nhiên, điều thường xuyên bị phớt lờ là lý do tại sao họ lại lạm dụng những thứ đó.

Prince

Có một sự thật là tuổi thọ trung bình của các ngôi sao nhạc rock chỉ cán mốc 49 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của một người Mỹ trưởng thành vào khoảng 76 tuổi, chênh lệch gần 30 năm.

Các ngôi sao lớn như Hendrix, Jim Morrison, Amy Winehouse và Janis Joplin đã mất ở tuổi 27 nên nhiều người đặt tên cho hiện tượng này là "câu lạc bộ 27". Mặc dù vậy, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Dianna Theadora Kenny, giáo sư về tâm lý học và âm nhạc tại Đại học Sydney, thì "câu lạc bộ 27" là một định kiến hoàn toàn sai lầm về việc chết trẻ của các nghệ sĩ trong làng nhạc.

Giáo sư Dianna Theadora Kenny (ảnh) kết luận rằng tuổi thọ trung bình của một ngôi sao âm nhạc ít hơn 25 năm so với dân số Mỹ.

Giáo sư Kenny đã phân tích cái chết của 12.000 ngôi sao âm nhạc từ năm 1950 đến năm 2014. Theo đó, họ thường qua đời vào độ tuổi U60 và đầu U70 chứ không phải tuổi 27. Cụ thể, tuổi 56 chiếm tỉ lệ cao nhất với 2,3% so với tuổi 27 chỉ chiếm 1,3%. Mặc dù 56 tuổi không phải là trẻ, thế nhưng nếu đem so sánh với tuổi thọ trung bình của một người Mỹ thì con số này vẫn được coi là khá sớm. Vậy thì đâu là nguyên nhân đã dẫn đến cái chết trẻ của các ngôi sao này?

David Bowie

Tuổi thơ bất hạnh

Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí y học Anh vào năm 2013, nhiều ngôi sao âm nhạc là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng tình dục và nghèo đói ngay từ khi còn nhỏ. Nổi tiếng nhất có thể kể đến "ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson.

Cha của Michael Jackson từng đánh đập con trai nếu như anh không biểu diễn được giống như mong đợi của ông. Chính điều này đã làm hằn một vết sẹo lên tâm hồn của anh. Khi trưởng thành, Michael đã cố gắng làm sống lại tuổi thơ của mình bằng cách thân mật với trẻ em. Hành vi ấu dâm này được xem là hệ quả từ nạn bạo hành mà anh phải chịu đựng từ thời thơ ấu. Nó đã cản trở sự phát triển về mặt tinh thần của Michael rồi dẫn đến việc lạm dụng thuốc. Kết quả cuối cùng thì ai cũng biết rõ.

Michael Jackson

Chester Bennington, giọng hát chính của nhóm Linkin Park, đã chia sẻ rằng anh từng bị một người đàn ông lạm dụng tình dục từ năm 7 tuổi và kéo dài trong 6 năm. Sự việc khủng khiếp này là một phần lý do khiến cho anh sử dụng rượu mạnh và ma túy nhằm xoa dịu nỗi đau. Ngay cả khi đã là cha của 6 đứa con, quá khứ vẫn không buông tha cho Chester. Anh đã tự sát bằng cách treo cổ vào rạng sáng 20.7.2017.

Nghèo đói cũng là một nguyên nhân đáng chú ý. Jimi Hendrix, người đã chết ở tuổi 27, thuộc về diện này. Đột ngột nắm giữ trong tay sự giàu có và danh vọng, nhiều người đã không được trang bị đầy đủ để xử lý chúng đúng cách. Họ bắt đầu đốt tiền vào ma túy và tình dục một cách không kiểm soát. Ngoài ra, danh tiếng cũng mang đến sự căng thẳng tinh thần cho các ngôi sao với khối lượng công việc nặng nề. Họ phải thường xuyên du lịch và xa gia đình, bạn bè rồi dẫn đến tình trạng bị cô lập, trầm cảm và lo lắng. Sau đó, các ngôi sao được kê thuốc an thần, dẫn đến phụ thuộc và qua đời vì sử dụng thuốc quá liều.

Chester Beninngton

Chưa hết, thiếu giáo dục và từng sinh sống trong những khu vực tệ nạn cũng để lại những dấu ấn không tốt lên đời sống tinh thần của các ngôi sao nhạc rock. Sự nổi tiếng không phải cánh cửa duy nhất dẫn họ đến với ma túy. Rất nhiều nghệ sĩ mà hầu hết là rapper đã thử qua ma túy ngay khi còn nhỏ. Họ không hề ngần ngại thể hiện điều đó qua các ca khúc của mình.

Ngôi sao nhạc rock là một nghề nghiệp gian khổ

Bên cạnh tuổi thơ bất hạnh và lạm dụng chất kích thích, việc trở thành ngôi sao nhạc rock bản thân nó đã là một công việc nặng nề và nhiều áp lực. Họ buộc phải làm việc liên tục, sáng tạo không ngừng nghỉ và du lịch rất nhiều nơi. Khác với những ca sĩ nhạc pop, ngôi sao nhạc rock hiếm khi hát nhép. Họ phải hát bằng tất cả sức lực hằng đêm cho đến khi nó ảnh hưởng đến đời sống tinh thần lẫn thể chất. Chưa hết, kỳ vọng của fan lên vai thần tượng cũng giống như một gánh nặng mà họ không thể nào buông xuống được.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 của Đại học Surrey đã cho thấy tác hại của việc thay đổi liên tục thời gian ngủ sẽ dẫn đến những tác hại không lường trước được tới nhịp sinh học, cũng như khiến các gen trong cơ thể bị phá vỡ. Quá trình này diễn ra đối với những người thường xuyên làm việc vào ban đêm hoặc thường di chuyển liên tục bằng máy bay. Xui xẻo thay, đó lại là lịch làm việc tiêu biểu của các nghệ sĩ.

22 người tham gia cuộc nghiên cứu đã bị thay đổi giờ giấc ngủ hằng ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của họ để quan sát. Kết quả cho thấy có nhiều khả năng gây xáo trộn biểu hiện gen gấp 6 lần ở họ. Sự phá vỡ biểu hiện gen làm giảm hiệu suất tối ưu của gen trong việc điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ đột biến, tăng huyết áp và đau tim.

Chính vì thế, một ngôi sao nhạc rock nếu không bị đắm chìm trong bóng tối của âm nhạc thì vẫn có nguy cơ bị chết sớm như một dạng rủi ro nghề nghiệp.

Ngôi sao nhạc rock đòi hỏi một cơ thể cường tráng

Duy trì thể trạng tốt là một đòi hỏi bắt buộc đối với các ngôi sao nhạc rock. Năm 2008, một nhóm các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhịp sinh học của Clem Burke, tay trống của nhóm Blondie, trong 8 năm. Họ nhận thấy rằng 90 phút đánh trống có thể làm nhịp tim tăng lên 190 lần mỗi phút, đốt cháy từ 400 đến 600 calo trong một giờ đồng hồ biểu diễn.

Clem Burke đã được kết nối với thiết bị để đo nhịp tim, sự hấp thu oxy và lượng axit lactic trong máu. Phát hiện sau đó chỉ ra rằng trong một buổi trình diễn, tim của ông đập trung bình từ 140 đến 150 lần một phút, và đạt đến đỉnh điểm là 190 lần, ngang bằng với các vận động viên chuyên nghiệp.

Một nghiên cứu khác vào năm 2010 với sự tham gia của 10 nghệ sĩ cũng đã cho thấy, khi biểu diễn thì dấu hiệu của stress lên cơ thể tăng một cách đáng kể từ mức vừa phải đến lớn, thay đổi từ 4,6 đến 62,2%. Trong khi đó, nhịp tim, hô hấp và chỉ số RPE tiếp tục tăng lên từ nhỏ đến lớn, thay đổi từ 4,9% đến 23,5%.

Chính vì thế, nhiều ngôi sao nhạc rock đã buộc phải duy trì cơ thể cường tráng nhằm giảm tải áp lực từ việc biểu diễn.

Sáng tạo có cái giá của nó

Có một liên kết giữa thiên tài âm nhạc và các chứng rối loạn tâm thần mà chủ yếu là tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm. Cả Aristotle và Shakespeare đều nhận xét rằng sự sáng tạo và sự điên cuồng thường giải phóng cùng một cảm xúc trong con người. Các thiên tài như họa sĩ Vincent Van Gogh và nhà toán học John Nash là những người bị rối loạn, thường có hành vi thất thường trong các tình huống xã hội.

Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu kết luận rằng có mối liên hệ giữa sự sáng tạo và điên cuồng. Thậm chí, nó còn liên quan đến yếu tố di truyền.

Kurt Cobain

Một nghiên cứu tại Iceland đã khẳng định rằng các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, thường được tìm thấy nhiều hơn ở những người làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Nguy cơ mang các gen này của các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và vũ công cao hơn 25% so với những người làm việc trong các lĩnh vực ít sáng tạo hơn như nông nghiệp, văn phòng và bán hàng.

Các ngôi sao nhạc rock cũng không phải là ngoại lệ đối với tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" này. Nghệ thuật của họ rất có thể chính là nguyên nhân gây ra tử vong do những năm tháng trầm cảm, lo lắng và bị cô lập. Những triệu chứng này có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm bởi các nghệ sĩ phải đối phó với chúng bằng các chất bất hợp pháp như thuốc giảm đau, thuốc trầm cảm và rượu.

Layne Staley

Đó chính là những gì đã diễn ra với Kurt Cobain và Layne Staley, những ngôi sao nhạc rock nổi tiếng nhất thập niên 90 và đã trở thành một phần của lịch sử âm nhạc thông qua nhóm Nirvana và Alice and Chains. Cả hai đều chết trẻ. Kurt Cobain qua đời ở tuổi 27 bằng một nhát súng bắn vào đầu còn Layne Staley sử dụng ma túy quá liều. Cái chết của họ giống nhau đến mức kỳ quái. Cả 2 đều chơi cùng một loại nhạc, cùng qua đời vào ngày 5 tháng 4, đều là những thiên tài âm nhạc...

Kết

Rõ ràng là hầu hết các ngôi sao nhạc rock đều có đời sống riêng phức tạp và nghệ thuật của họ cũng chính là căn nguyên cho sự phiền muộn. Các bệnh tâm thần và thời thơ ấu bất hạnh cũng khiến họ chuyển sang sử dụng ma túy và rượu, dẫn đến vấn đề về sức khoẻ và những cái chết do tai nạn.

Cuối cùng, hãy kết lại bài viết bằng những ca từ bất hủ của Layne Staley: "Nếu tôi không thể là của riêng tôi, tốt hơn là chết đi".

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
38 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Chester Bennington và các ngôi sao nhạc rock thường chết trẻ?