Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1 triệu tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT, do tình hình dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.
Cụ thể, trong tháng 7.2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 6.2021.
Trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1% và tăng 34,3%; 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,9% và tăng 28,2%; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9% và giảm 4,1%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1 triệu tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động; tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng năm nay có 1.263 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; gần 20,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,6%; 54 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4,1%.
Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: Kinh doanh bất động sản tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 15,6%; thông tin và truyền thông tăng 12,4%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 11,9%; khai khoáng tăng 6,5%; giáo dục và đào tạo tăng 5,8%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,4%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 1,3%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 1%.
Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 63,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 10,7%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 10,5%; xây dựng giảm 3,7%.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%, trong đó có 10.105 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tăng 27,2%; 131 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 5,1%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.220 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.325 doanh nghiệp; xây dựng có 1.006 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 689 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 646 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 582 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 575 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 501 doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.