Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang tích cực tìm thị trường tiêu thụ nông sản, ổn định cuộc sống người dân.

Vĩnh Long tìm đường tiêu thụ nông sản giúp nông dân trong dịch COVID-19

Văn Kim Khanh | 27/07/2021, 18:33

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang tích cực tìm thị trường tiêu thụ nông sản, ổn định cuộc sống người dân.

Vĩnh Long là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, song thiếu doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, hàng hóa chỉ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch. Thế nên khi dịch COVID-19 và giản cách xã hội xảy ra thì tỉnh lúng túng vì nông sản dội chợ.

Về vấn đề tìm đầu ra cho thị trường khoai lang, ông Nguyễn Văn Tập (Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Hiện nay Bình Tân còn 50 ha khoai lang đang thu hoạch. Giá khoai lang tím Nhật xuất khẩu trước đây dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, nay giá 1.000 đồng/kg. Với giá này nông dân thiệt hại rất nhiều. Thị trường trong nước tiêu thụ không mạnh, nay lại gặp giản cách xã hội để chống dịch nữa càng khó tiêu thụ”.

thu-hoach-khoai-lang-o-binh-tan-kk-moi.jpg
Thu hoạch khoai lang ở Bình Tân - Ảnh: VKK

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tập, huyện Bình Tân còn 700-800ha khoai lang sắp thu hoạch, với mỗi ha 30 tấn khoai, số lượng khoai sắp thu hoạch lên hơn 20.000 tấn.

"Chúng tôi cũng báo cho Sở Nông nghiệp PTNT, Sở Công thương, có kế hoạch tìm thị trường tiêu thụ số khoai lang sắp thu hoạch để giảm bớt khó khăn cho nông dân trồng khoai”, ông Tập nói.

Sở dĩ nhiều người gọi Bình Tân là “Vương quốc khoai lang” vì huyện này có diện tích khoai số 1 ĐBSCL, mỗi năm có từ 10.000 đến 12.000 ha đất canh tác, với sản lượng từ 250.000 đến 300.000 tấn, phần lớn khoai này được các thương lái Trung Quốc thu mua, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên thị trường không ổn định. Khoai lang ở Bình Tân là khoai tím Nhật, loại thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Hơn 2 năm nay, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tình hình xuất khẩu khoai “ba chìm, bảy nổi” nên cuộc sống người trồng khoai rất khó khăn.

vung-trong-xa-lach-xoong-bm.jpg
 Vùng trồng xà lách xoong ở Bình Minh  Ảnh  LTT

Thị xã Bình Minh, nơi trồng 140 ha xà lách xoong, cũng là vùng trồng rau diếp cá với diện tích lớn 80 ha. Từ trung tuần tháng 7 đến nay, mỗi ngày khoảng 3 tấn rau xanh tại Bình Minh thiếu nơi tiêu thụ.

Anh Lê Thanh Thuận, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Bình Minh cho biết: “Bình Minh đang gặp khó cho đầu ra của xà lách xoong, rau diếp cá và bưởi năm roi. Xà lách xoong, diếp cá trước đây cung ứng cho các chợ và siêu thị TP.HCM, các tỉnh, nay bán không được, tới lứa nông dân phải thu hoạch, mỗi ngày từ 1,5 đến 2 tấn, bán giá rẻ như cho, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/1kg, cao lắm được 5.000 đồng/1kg, có lúc cho làm từ thiện, một số phải cắt bỏ do phải thu hoạch rau mới tiếp tục phát triển. Còn bưởi năm roi, trước đây 15.000 đến 20.000 đồng/kg, hiện giá có 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Vấn đề bức xúc là tìm đầu ra cho sản phẩm này. Chợ và người dân TP.HCM đang thiếu rau xanh, trái cây trong khi đó nông dân trồng rau, bưởi như ngồi trên lửa”.

Về vấn đề khó khăn đầu ra một số nông sản của Vĩnh Long, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho hay: “Hiện nay Vĩnh Long tích cực tìm hướng giải quyết cho xà lách xoong, khoai lang ở Bình Tân và nhãn xuồng cơm vàng ở Long Hồ. Với nhãn xuồng cơm vàng, mỗi ngày thu hoạch khoảng 10-15 tấn, khoai lang hiện nay và sắp thu hoạch khoảng 15.000 - 20.000 tấn; xà lách xoong và rau diếp cá, mỗi ngày thu hoạch khoảng 2 đến 3 tấn. Trước giãn cách chống dịch, thị trường lưu thông dễ, số lượng này không có vấn đề, hiện nay thị trường thời giãn cách nên mới khó”.

buoi-nam-roi-binh-minh-van-kim-khanh-moi.jpg
Bưởi năm roi hiện nay thu mua tại vườn giá thấp - Ảnh VKK

Cũng theo ông Trương Thành Dãnh, về các giải pháp, Sở NN&PTNT đã có thống kê nông sản Vĩnh Long đang gặp khó, phối hợp với Sở Công thương Vĩnh Long, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét và hỗ trợ để tìm thị trường tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng, rau xanh, khoai lang tím Nhật, bưởi năm roi... tiếp cận thị trường thụ ở thị trường TP.HCM.

Về khoai lang xuất khẩu, hiện Vĩnh Long phối hợp Bộ NN&PTNT, xét cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, việc này phải có phối hợp với phía Trung Quốc, song do ảnh hưởng dịch bệnh nên phía Trung Quốc chưa qua làm việc. Nếu thống nhất được với họ, từ đây chúng ta xuất khẩu theo con đường chính ngạch, ổn định hơn, còn đến nay xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.

Vấn đề đặt ra là Vĩnh Long cần phải hỗ trợ những doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, để họ làm cầu nối đưa sản phẩm nông nghiệp tỉnh đến với thị trường thế giới và tỉnh này ít bị sốc trước những vấn đề xã hội như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Long tìm đường tiêu thụ nông sản giúp nông dân trong dịch COVID-19