Từ hình dáng của cốc bia cho tới kích cỡ của đĩa ăn đều có thể âm thầm tác động tới tâm lý thực khách.
Nhiều người nghĩ rằng họ sành sỏi trong lựa chọn bữa ngon giá tốt khi ra ngoài ăn tối, nhưng các chủ nhà hàng còn có nhiều chiêu thức "cao tay" hơn để kích thích thực khách bạo chi. Hãy kiểm tra xem bạn đã "dính" bao nhiêu chiếc bẫy khi đi ăn hàng nhé.
Menu chỉ dùng số
Nhiều nhà hàng chỉ liệt kê giá menu đơn giản bằng những con số, và bỏ qua ký hiệu tiền tệ. Điều này không phải do họ muốn... tiết kiệm mực in thực đơn. Những nghiên cứu chỉ ra sự vắng mặt của đơn vị tiền tệ sẽ đánh lạc hướng thực khách khỏi mối quan tâm mình đang bỏ ra bao nhiêu.
Đặc tả từng món
Chỉ cần ghi chi tiết về món ăn, thực đơn đã tạo ra giá trị khác hẳn. Theo SciShow Psych, thực đơn mô tả công phu và hấp dẫn có thể giúp tăng tới 27% doanh thu. Ví dụ, thay vì ghi "bít tết và khoai tây chiên", nhà hàng sẽ bán cho thực khách một món nghe mỹ miều hơn như "thăn lưng bò 28 ngày tuổi thơm ngon và khoai tây chiên cắt tay".
Kích thước đĩa
Những nhà tâm lý học đã chứng minh rằng thực khách sẽ cảm thấy no hơn khi dùng đĩa nhỏ trong bữa ăn. Những nhà hàng buffet thường xuyên áp dụng chiến thuật này để giảm lãng phí thực phẩm vì thực khách có xu hướng lấy nhiều thức ăn hơn cần thiết. Trái lại, các nhà hàng à la carte lại dùng đĩa lớn để đánh lừa tâm lý thực khách, khiến họ nghĩ mình vẫn đói bụng và có thể ăn thêm đồ tráng miệng.
Hình dáng cốc
Thực khách có xu hướng uống hết bia nhanh hơn nếu cốc đựng có thân cong, thay cho cốc thẳng đứng. Não bộ thường ước tính đồ uống còn lại bao nhiêu nhờ độ cao của chất lỏng trong cốc. Với dạng cốc thân tròn thu nhỏ dần về đáy, miệng sẽ rộng hơn, khiến thực khách khó đánh giá mình uống hết bao nhiêu nên cạn ly nhanh hơn. Do đó, họ sẽ gọi thêm nhiều bia hơn.
Một số người có thể cho rằng cốc thấp và rộng sẽ chứa ít đồ uống hơn những dáng cốc cao và hẹp, nhưng họ đã lầm. Thực tế, con người sẽ uống hết 88% chất lỏng trong những chiếc cốc ngắn và rộng. Phản ứng này có thể xảy ra do ảo ảnh dọc - ngang, theo đó các đường thẳng đứng có vẻ dài hơn các đường ngang. Vài nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là tầm nhìn của con người có chiều rộng lớn hơn chiều cao.
Hình dáng biểu tượng
Trong tiềm thức, con người có xu hướng liên tưởng hình tròn với vị ngọt, và góc cạnh ứng với cay đắng. Do đó, nhiều đầu bếp tận dụng điều này khi trang trí món ăn. Những món có chocolate sẽ được phục vụ theo hình dáng tròn hoặc hình cầu, để đánh lừa não bộ nghĩ rằng món tráng miệng ngọt ngào hơn.
Càng nặng càng tốt
Cân nặng tỷ lệ thuận với chất lượng là quan niệm của nhiều người. Do đó, nếu nhà hàng để khách dùng thìa dĩa nặng hơn, ví dụ như đúc bằng bạc, họ sẽ cảm thấy món tráng miệng ngon và đáng tiền hơn so với khi ăn bằng thìa nhựa.
Màu sắc
Màu sắc cũng có thể tác động tới cách con người đón nhận một vật thể. Đó là lý do một số hãng giải khát dùng bao bì màu xanh dương để khiến khách hàng nghĩ họ đang uống một thứ nước mát lạnh, đem lại cảm giác sảng khoái.
Bài trí
Vẻ ngoài của một món ăn thực sự ảnh hưởng tới đánh giá của thực khách. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu đánh giá hai món salad - một đĩa trang trí rất nghệ thuật, một đĩa chỉ xếp rau củ thành hàng. Đa số người tham gia đều nhận xét rằng họ thích ăn đĩa salad đẹp hơn ngay cả trước khi nếm.
Theo Bảo Ngọc/VNE