Năm 2020 có nhiều biến động với ngành giáo dục Việt Nam. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến Bộ GD-ĐT phải triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó có sự thay đổi về lịch học, lịch thi của học sinh các cấp.

9 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2020

Tú Viên | 24/12/2020, 20:32

Năm 2020 có nhiều biến động với ngành giáo dục Việt Nam. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến Bộ GD-ĐT phải triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó có sự thay đổi về lịch học, lịch thi của học sinh các cấp.

Thay đổi về Kỳ thi THPT Quốc gia 2010

Do bối cảnh của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, Bộ GD-ĐT đã phải công bố tinh giản chương trình Học kỳ 2 và triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình. Cũng vì dịch bệnh COVID-19 mà kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành. Do vậy, năm nay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.

hoc-sinh-8.jpg
Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT-Ảnh: P.V

Cô giáo Mường lọt vào vào top 10 xuất sắc thế giới

Tháng 11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.

Cô cũng trở thành người truyền cảm hứng về ứng dụng công nghệ thông tin khi thường xuyên đi giới thiệu mô hình “lớp học xuyên biên giới” để nhiều giáo viên khác tại các địa phương cũng có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cô Phượng còn tham gia vào việc dạy học trên truyền hình, hỗ trợ đồng nghiệp dạy học online trong thời điểm dịch COVID-19.

Trước đó, hồi tháng 3, cô giáo 9X người Mường đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation công bố. Thời điểm đó, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cô giáo Hà Ánh Phượng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều sai sót

Năm nay, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai và là đề tài gây tranh cãi gay gắt trong dư luận. Không chỉ dừng lại ở chương trình học nặng, lối biên soạn thiếu logic, nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều với nhiều "hạt sạn" được cho là ngô nghê và thiếu trong sáng.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều với 11 bài đọc thay thế và điều chỉnh bổ sung nhiều từ ngữ bị cho là phản cảm, khó hiểu.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM khẩn trương thực hiện cung cấp tài liệu này đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tiểu học đang sử dụng SGK môn tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều đảm bảo kịp thời với hình thức cung cấp phù hợp, thuận tiện cho người sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD-ĐT (qua Vụ Giáo dục tiểu học).

Xét xử vụ gian lận thi cử 2018

Vụ gian lận thi cử 2018 (hay còn gọi là Vụ gian lận thi THPT Quốc gia 2018) là vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Trong quá trình điều tra, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có tới 347 bài thi bị can thiệp điểm.

Vụ gian lận này được cho là nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay, sau nhiều năm Bộ GD-ĐT tổ chức các kỳ thi tuyển sinh và THPT Quốc gia.

Chiều 26.5.2020, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La đã kết thúc phần tranh tụng. Những người mắc sai phạm là những cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục, công an, vì lòng tham đã lợi dụng chức vụ cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh.

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị cách chức

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh vì đã sai phạm một số quy định. Ông Danh bị cho là vi phạm khoản 1, khoản 4 Điều 12 Nghị định 27/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Giáo dục đại học Việt Nam có rất nhiều khởi sắc

- Top 500 trường hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi

Ngày 18.2.2020, bảng xếp hạng uy tín của Times Higher Education (THE) đã công bố Top 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi.

Danh sách này có 3 trường đại học của Việt Nam được xếp hạng. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 201-250; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300; tiếp theo là Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm 401-500.

Trong các đại diện đến từ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu về chỉ số ảnh hưởng nghiên cứu (chỉ số trích dẫn khoa học). Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu về triển vọng quốc tế.

- Top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới

Theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE) công bố ngày 22.4.2020, trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp Top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings).

Ngoài ra, tại bảng xếp hạng này, ĐH bách khoa Hà Nội cũng được xếp vào Top 301-400 các đại học có ảnh hưởng toàn cầu.

- Top 400 đại học tốt nhất thế giới

Ngày 15.7.2020, hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (Academic Ranking for World Universities: ARWU) - hệ thống xếp hạng đại học khó nhất thế giới, xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 đại học tốt nhất thế giới theo một số nhóm ngành học thuật năm 2020.

Trong bảng xếp hạng này, nhóm ngành Toán (Mathematics) của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thuộc Top 301-400 thế giới và số 1 Việt Nam; nhóm ngành kỹ thuật điện và điện tử (Electrical & Electronic Engineering) và nhóm ngành khoa học máy tính (Computer Science & Engineering) được xếp vào Top 401-500 thế giới và số 1 Việt Nam.

- Vào bảng xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới

Ngày 15.8.2020, Hệ thống xếp hạng ĐH thế giới Academic Ranking for World Universities (ARWU) công bố kết quả xếp hạng các ĐH xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020.

Việt Nam có một đại học duy nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào trong bảng này và được xếp Top 701-800, tăng ít nhất 200 bậc so với năm 2019 là 901-1000.

- Top 1000 trường tốt nhất thế giới

Ngày 2.9.2020, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả Xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings, WUR 2021).

Việt Nam có 3 trường được xếp hạng cùng với 1.527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801 -1000 thế giới; Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 1000+.

- Top các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á

Mới đây nhất, ngày 25.11.2020, Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds - Vương quốc Anh) công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021). Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á.

Đại học Đông Đô cấp nhiều bằng giả

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô. Đáng nói, nhiều người sử dụng bằng tiếng Anh này để bảo vệ luận án tiến sĩ. Có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, trong đó có cả học viên của những trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Luật (ĐH Huế)...

Trước đó, ngày 20.8.2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 272/ANĐT-P5 truy nã bị can Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô với tội danh Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.

Hiện lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.

Tự chủ đại học được thúc đẩy mạnh mẽ

Tại Hội thảo Giáo dục 2020 diễn ra hồi tháng 11, hơn 250 đại biểu lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, nhà giáo dục đã đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy tự chủ đại học.

Nhiều ý kiến cho rằng tự chủ đại học sẽ dẫn tới sự chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là những yếu tố chính trong việc tự chủ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục. Khó khăn sẽ còn nhiều ở phía trước nhưng với sự thành công của các trường đi trước sẽ là động lực để các trường tiếp theo thực hiện.

Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Gian lận hồ sơ phong tặng giáo sư, phó giáo sư

Năm 2020, việc công bố ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư bị lùi khoảng một tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo 31/40 ứng viên ngành Y, 5/10 ứng viên ngành Dược không đủ tiêu chuẩn, "khai gian" bài báo quốc tế. Các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có ứng viên bị tố cáo đã phải rà soát, thẩm định lại.

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2020