Mặt hàng nhãn chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Còn lại xuất sang Mỹ và Đài Loan.

98% nhãn Việt Nam được bán sang Trung Quốc

tuyetnhung | 16/07/2018, 17:54

Mặt hàng nhãn chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Còn lại xuất sang Mỹ và Đài Loan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu quả nhãn của Việt Nam đạt 124,76 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhãn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Còn lại là xuất sang Mỹ và Đài Loan.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặt hàng quả nhãn là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, chỉ một vài tuần tới là bước vào mùa thu hoạch nhãn, thời tiết thuận lợi nên nhãn sai quả, tỷ lệ đậu quả cao, hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết nhãn là một trong những cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La và Hưng Yên. Theo đó, năm 2018 tỉnh Sơn La có 12.257 ha trồng nhãn và dự kiến cho thu hoạch khoảng 7.826 ha. Còn Hưng Yên có 4.340 ha trồng nhãn và dự kiến cho thu hoạch khoảng 4.340 ha.

Những năm gần đây, sản lượng nhãn luôn duy trì ở mức 500-550 nghìn tấn/năm. Trong trường hợp thời tiết khí hậu thuận lợi, cây nhãn sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả đạt trên 90%. Còn nếu không có mưa đá, mưa bão lớn... thì sản lượng vải, nhãn thu hoạch sẽ rất cao.

Mặc dù xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc đang đạt sản lượng lớn, nhưng Bộ Công Thương cũng cho rằng khi xuất khẩu sang thị trường này cần lưu ý, họ sẽ tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu. Đáng chú ý, từ 1.4.2018, doanh nghiệp Trung Quốc khi nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải xin giấy phép tại Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây và cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm...

Cục Trồng trọt cho rằng, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm, nên đẩy mạnh chế biến truyền thống như sấy khô để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả nhãn. Doanh nghiệp cũng cần sử dụng hiệu quả các kho ngoại quan để lưu chứa, tạm trữ quả nhãn; chuẩn bị đầy đủ dịch vụ hậu cần để tổ chức tiêu thụ kịp thời sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng về thủ tục hành chính, giao thông, vận chuyển phục vụ tiêu thụ quả nhãn.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
98% nhãn Việt Nam được bán sang Trung Quốc