Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.
Hoan nghênh bước đi của ADB!
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ ông hoan nghênh động thái này của ADB vì trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại một số ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng, như Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).
Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực để mua lại các ngân hàng yếu kém cũng không còn nhiều. NHNN lại không thể mãi xử lý các ngân hàng bằng biện pháp mua lại. Đây chỉ là biện pháp tạm thời trong 2 năm qua để tránh đổ vỡ hệ thống.
"Theo đó, việc ADB cùng với các đối tác để mua lại ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và cải thiện nó tốt thì đây là điều rất đáng hoan nghênh", TS Hiếu nói.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao từng tiết lộ, ADB đã thực hiện nhiều chương trình cho doanh nghiệp (DN) tư nhân vay vốn làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, ADB chưa hề nhận được bất cứ yêu cầu vay vốn nào từ phía các DN tư nhân của Việt Nam.
Việc không có DN Việt Nam nào hỏi vay vốn từ ADB, dù rằng ADB đã chuẩn bị sẵn nguồn tài trợ và rất sẵn sàng cho vaycó lẽ đã gây ngạc nhiên cho không ít người. Giải đáp thắc mắc này, TS Hiếu cho rằng ADB là một ngân hàng của khu vực, trước đây họ chỉ có chức năng tài trợ các chương trình, các dự án cho Chính phủcác quốc gia trong khu vực, chứ họ không có chức năng cho các DN tư nhânvay vốn, việc cho các DN tư nhânvay vốn là chức năng của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, tại thị trường Việt Nam, các DN mang độ rủi ro rất cao nên vì những lý do này mà ADB cũng rất khó cho các doanh nghiệp vay vốn.
"Nếu ADB cho các DN tư nhân Việt Nam vay vốn thì là 1 điều đáng mừng. Còn về các định chế và tiêu chí mà ADB cho tư nhân vay vốn thì tôi nghĩ sẽ không khác so với các ngân hàng thương mại khác. Bởi lẽ, mục đích các ngân hàng (dù là chính sách, thương mại hay ADB) cho DN tư nhân vay thì đều muốn thu hồi lại vốn nên tiêu chí mà họ đặt lên người vaythì ở đâu cũng vậy, doanh nghiệp nào muốn vay thì phải có tình hình tài chính ổn định, có lợi nhuận, thị trường và phải có khả năng hoàn trả. Theo đó, dù là ngân hàng nào đi nữa thì có tiêu chí khi cho tư nhân vay vốn cũng đều giống nhau", ông Hiếu nhận định
Xử lý nợ xấu: Có dùng ngân sách?
Lâu nay, câu chuyện nợ xấu luôn được xem là bài toán nan giải của cả nền kinh tế tài chính nước nhà. Theo đó, khi ADB có động thái mua lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lýnợ xấu thì câu hỏi đặt ra hiện nay là xử lý nợ xấu bằng cách nào là thực chất và đem lạihiệu quả nhất.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguồn lực nhà nước sẽ là giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả nhất hiện nay. Trong những năm qua, một nửa số nợ xấu đã được bán qua VAMC, nửa còn lại thì ở chỗ các ngân hàng thương mại. Những ngân hàng này đã cố gắng thu hồi nợ và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro cũng như là thu hồi tài sản bảo đảm, nhưng cũng không giải quyết được vấn đề.
Không những vậy, các ngân hàng lại còn phát sinh ra các khoản nợ xấu mới. Phía VAMC cho đến bây giờ mới giải quyết được khoảng 50% trong số nợ hơn 250.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mai. Số nợ còn tồn tại thì đang tiếp tục gây ra những tác hại cho hệ thống ngân hàng, cụ thể là số nợ đáng lý ra phải thu hồi thì không thu hồi được, nên ngân hàng phải huy động từ thị trường để lấy vốn mới bù vào các khoản vốn thất thu. Theo đó, lãi suất cứ phải tăng lên để hấp dẫn người gửi tiền. Tình trạng này ngày càng chứng tỏ rằng việc giải quyết nợ xấu đang rất trì trệ.
"Theo đó, tôi cho rằng giải pháp bây giờ là dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Vấn đề này đã gây nên những ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta phải hiểu cho đúng, thế nào là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu? Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu không có nghĩa là chính phủ trả nợ thay cho các doanh nghiệp đã mắc nợ xấu.
Tôi ví dụ, một doanh nghiệp A vay ngân hàng B 100 tỉ đồng. Doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ cho ngân hàng B thì số nợ đó sẽ trở thành nợ xấu. Bây giờ chính phủ dùng một số tiền để mua số nợ đó từ ngân hàng B và có thể bán cho một cơ quan C hoặc giữ lại số nợ và bù một khoản tiền giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi.
Nhưng người đi vay A nợ 100 tỉ của ngân hàng B thì cũng vẫn nợ 100 tỉ đối với cơ quan C. Không có ai trả nợ thay cho doanh nghiệp A cả, chính phủ không trả nợ thay mà chính phủ chỉ mua nợ đó từ ngân hàng B rồi chính phủ có thể thấy doanh nghiệp này có khả năng hồi phục thì cho vay thêm tiền hoặc là bán số nợ đó cho một đối tượng C.
Nên không có việc chính phủ sử dụng tiền ngân sách để trả nợ thay cho ai cả. Rất nhiều người nhầm lẫn về việc chính phủ dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho doanh nghiệp A. Doanh nghiệp A nợ 100 tỉ thì sau khi chính phủ mua nợ này, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ. Đây là chính phủ khoan nhượng bằng cách tái cơ cấu để trả nợ cho doanh nghiệp A. Còn theo nguyên tắc thì các doanh nghiệp này vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ.
Một điểm quan trọng nữa là khi ngân hàng B bán nợ cho chính phủ thì họ không thể bán với giá 100% giá trị trên sổ sách của món nợ đó. Với món nợ này, ngân hàng sẽ có một cuộc thương thảo với chính phủ và đi đến kết luận là có mua lại số nợ này với giá 100 tỉ hay không. Nhiều khi chính phủ thấy là món nợ này tệ và họ có thể chiết khấu tới 50% thì lúc đó chỉ mua lại với giá trị 50 tỉ thôi. Điều đó có thể hiểu là chính phủ không phải mua giá trị sổ sách của những món nợ đó mà sẽ đi đến một tỷ lệ chiết khấu hợp lý. Cũng có những món nợ tệ đến nỗi phải chiết khấu đến 80-90%.
Tóm lại chính phủ chỉ mua lại món nợ này bằng giá trị thị trường, tức là mức giá sau khi nhận được chiết khấu. Xử lý nợ xấu bằng ngân sách là trường hợp mà Hoa Kỳ đã làm. Họ thậm chí còn bỏ ra rất nhiều tỉ USD để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng. Cuối cùng, chính phủ không những thu lại được tất cả số nợ đó mà còn lãi nữa. Ngân hàng thì sạch nợ xấu, chính phủ thì có thêm tài sản và bán cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn. Đó là kết quả mong muốn của bất kỳ quốc gia nào", TS Hiếu phân tích
Còn dưới góc nhìn của TS Cấn Văn Lực - Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết dứt điểm thông qua 4 giải pháp rắn. Đầu tiên là cần sớm thay đổi cơ chế chính sách liên quan đến nợ xấu, cụ thể là cần minh bạch hóa thông tin về nợ xấu và tăng quyền cho VAMC trong việc định đoạt tài sản, bán tài sản đảm bảo và bán nợ xấu, bất kể lãi hay lỗ.
Thứ hai là xử lý nợ xấu trên cơ sở giá thị trường. Kinh nghiệm từ Thái Lan và Malaysia đã chỉ ra rằng, chỉ khi để cơ chế thị trường xử lý nợ xấu thì mới thực hiện dứt điểm được câu chuyện. Tuy nhiên, không chỉ là phát hành trái phiếu đặc biệt mà phải là trái phiếu có tính chất thị trường hơn, được phép chuyển nhượng và cầm cố khi có nhu cầu tái cấp vốn.
Thứ ba là cần có một tổ chức độc lập đứng ra định giá mua bán nợ. Như vậy xử lý nợ mới đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch và sự thống nhất về giá giữa ba bên: định chế tài chính, ngân hàng và VAMC.
Cuối cùng là vấn đề nguồn lực. TS Lực đưa ra phương án là Chính phủ tạm ứng cho VAMC một khoản tiền trị giá khoảng 5.000 - 10.000 tỉ đồng, sau đó khi VAMC thu hồi được nợ sẽ phải trả lại cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn chính vẫn là trái phiếu.
Tuyết Nhung