“Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN giống như chơi cờ và có 3 cấp độ. Thứ nhất là cấp độ biết luật chơi, biết cách đi của quân cờ. Đa số chúng ta loay hoay ở cấp độ này. Cấp độ thứ 2 là thế cờ, cách chơi cờ. Cách chơi thứ 3 là dự đoán được nước đi của ván cờ” – TS Võ Trí Thành chia sẻ tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại đây, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay ông lo ngại không phải chúng ta không hiểu ASEAN là gì mà chúng ta hiểu theo cấp độ nào.
Theo ông Thành, giống như người chơi cờ, ASEAN có 3 cấp độ. Thứ nhất là cấp độ biết luật chơi, biết cách đi của quân cờ. Đa số chúng ta loay hoay ở cấp độ này. Cấp độ thứ 2 là thế cờ, cách chơi cờ. Cách chơi thứ 3 là dự đoán được nước đi của ván cờ.
“Ở Việt Nam vô cùng ít người đạt được hiểu biết ở cấp độ thứ 3 mà chúng ta đang ở mốc giữa thứ nhất và thứ hai”, TS Thành cho biết.
Theo ông Thành, đây là một hình mẫu cho Việt Nam, là một trong những cơ hội để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội lần này, Việt Nam sẽ mãi khác biệt với thế giới. Việt Nam đang đi trước trong hội nhập nhưng nếu không tận dụng thì 5, 7 năm nữa thì Việt Nam sẽ mất đi rất nhiều lợi thế đang có như hiện nay.
Ông Thành khuyến cáo rằng Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân cần nâng cao cách chơi cờ và hiểu ván cờ, dự đoán được nước đi của đối thủ. Chúng ta học hỏi lẫn nhau nhưng tránh chữ “theo”. Chúng ta học tất cả các nước nhưng cách nói của chúng ta dường như chúng ta phải theo, đó là sai lầm. ASEAN là một hình mẫu phát triển, rất đặc trưng của khu vực ASEAN.
Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC" |
Cũng chia sẻ tại hôi thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay cơ hội cho doanh nghiệp khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên AEC cũng mang lại nhiều thách thức như doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn.
Không gây sốc cho doanh nghiệp
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không có cơ cấu chặt chẽ, mà tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều với các khối kinh tế khác trên thế giới. AEC là một tiến trình hội nhập khu vực chứ không phải các hiệp định mang tính ràng buộc thực thi, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của cộng đồng kinh tế ASEAN.
“Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra thời điểm 1.1.2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Nên để xây dựng được cộng đồng kinh tế như EU thì còn cần một thời gian rất lâu dài nữa, không nói trước được” – ông Lộc nhấn mạnh.
Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng thời điểm 1.1.2016 đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có gì thay đổi đáng kể, bởi thay đổi nhiều nhất là ở năm 2015 và 2018. AEC không gây sốc so với hiện tại và vẫn là tiến trình thực hiện cam kết theo lộ trình đặt ra. Các doanh nghiệp nên bình tĩnh, không quá lo lắng nhưng cũng cần sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết thì sự cắt giảm thuế quan trong cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết cũng cao nhất.
Ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng ASEAN (Bộ Ngoại giao)cho biết Cộng đồng kinh tế ASEAN đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác mở rộng với bên ngoài, hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
“Cộng đồng kinh tế ASEAN có mức độ liên kết cao hơn Hiệp định, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Đây thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, có sự khác biệt khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về chế độ chính trị và trình độ phát triển cũng như tính toán chiến lược phức tạp trong quan hệ với các nước lớn” – ông Cường cho hay.
Hoàng Long