Hãng tin AP cho biết ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn có một số việc kinh doanh ăn nên làm ra dưới thời Taliban nắm quyền.
Quốc tế

Afghanistan: Những lĩnh vực ăn nên làm ra dưới thời Taliban nắm quyền

Cẩm Bình 03/05/2024 16:40

Hãng tin AP cho biết ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn có một số việc kinh doanh ăn nên làm ra dưới thời Taliban nắm quyền.

Doanh nhân Yunis Safi sống ở Kabul hiểu rất rõ tầm quan trọng của sự khoe khoang điện thoại nếu muốn công việc thuận lợi. Ông chia sẻ: “Ở Afghanistan, chiếc điện thoại thể hiện con người. Khi đi gặp chính quyền, điện thoại càng sang thì họ càng tôn trọng”.

Ông Safi sở hữu một cửa hàng điện thoại ở khu Shar-e-Naw sang trọng. Bên ngoài cửa hàng có nhân viên bảo vệ vũ trang, bên trong bày bán cả iPhone 15 Pro Max giá 1.400 USD/chiếc. Không thiếu khách hàng dám chi mạnh tay mua điện thoại mặc dù đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế, hơn một nửa dân số phải sống dựa vào viện trợ nhân đạo.

Tình hình Afghasnistan đã không tốt từ trước khi Taliban nắm quyền trở lại. Ngân sách phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, quá trình chuyển giao quyền lực đẩy quốc gia Trung Á này vào suy thoái, hàng tỉ USD tài sản ở nước ngoài bị đóng băng và hàng chục nghìn người lao động tay nghề cao đem tiền rời khỏi đất nước.

Nhưng ngay cả trong điều kiện khó khăn, vẫn có một số việc kinh doanh ăn nên làm ra. Loạt hạn chế mà Taliban áp đặt với nữ giới hạn chế lựa chọn công việc của họ, tuy nhiên họ vẫn là người tiêu dùng.

nhung00.jpg
Một cửa hàng điện thoại ở Kabul - Ảnh: AP

Khách hàng của Safi rất đa dạng, từ người khao khát sở hữu iPhone bản mới nhất đến người hài lòng với điện thoại đơn giản. Nhóm khách bình dân trả từ 20 - 200 USD mua điện thoại chiếm phần lớn doanh số của cửa hàng.

Taliban từng phá hoại tháp phát sóng điện thoại và đe dọa công ty viễn thông, cáo buộc họ giúp Mỹ cùng các thế lực nước ngoài khác theo dõi hoạt động của lực lượng này thông qua tín hiệu di động. Giờ đây họ đầu tư phát triển mạng di động 4G.

Bộ Truyền thông Afghanistan cho biết trong 2 năm qua đã có 2 triệu sim mới được phát hành, số lượng thuê bao đang tăng lên. Phát ngôn viên Enayatullah Alokozai cho biết chính quyền Taliban đầu tư 100 triệu USD vào lĩnh vực viễn thông, đồng thời khôi phục hoàn toàn hàng trăm tháp phát sóng điện thoại.

Theo số liệu từ Bộ Truyền thông Afghanistan, nhập khẩu điện thoại tăng từ 1.584 tấn năm 2022 lên 1.895 tấn năm 2023. Ông Safi có rất nhiều khách hàng là thành viên Taliban, khách trẻ tuổi thường ưa chuộng iPhone.

“Tất nhiên họ cần điện thoại thông minh chứ. Họ dùng mạng xã hội, thích làm video. Xét về bảo mật thì iPhone tốt hơn Samsung. Độ phân giải camera, vi xử lý, bộ nhớ cũng tốt hơn. Người Afghanistan sử dụng điện thoại thông minh của mình như người dân nhiều nước khác”, Safi chia sẻ. Bản thân ông sở hữu một iPhone 15 Pro Max, đeo Apple Watch Ultra.

Doanh nhân này còn cho biết việc kinh doanh trở nên tồi tệ lúc Taliban mới nắm quyền trở lại, nhưng đang dần cải thiện. Đối tượng khách hàng mua iPhone bản mới nhất là người có người thân ở nước ngoài gửi tiền về.

Kiều hối hiện vẫn là “huyết mạch” duy trì nền kinh tế, mặc dù lượng tiền chỉ bằng một nửa so với trước lúc Taliban nắm quyền và ngành ngân hàng sụp đổ. Tại chợ Shahzada trên địa bàn Kabul có hàng trăm người rao đổi các cọc nội tệ. Quan chức Abdul Rahman Zirak ước tính mỗi ngày có khoảng 10 triệu USD được giao dịch, người ở nước ngoài chủ yếu gửi USD về cho gia đình. Afghanistan bị cấm tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT cũng như mạng lưới ngân hàng quốc tế nên chỉ còn lại kênh đổi tiền ngoài chợ.

Theo Zirak, kiều hối không chỉ được gửi về từ Mỹ mà còn từ Canada, châu Âu, Úc, các quốc gia Ả Rập và quốc gia láng giềng. Hoạt động đổi tiền diễn ra sôi nổi vào dịp lễ. Trong tháng Ramadan, mỗi ngày chợ Shahzada đón 20.000 người.

“Nếu sự trừng phạt được dỡ bỏ và tài sản không bị phong tỏa nữa thì việc kinh doanh của chúng tôi có thể giảm sút. Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không xảy ra. Nhiều người không có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp còn cao nên người ở nước ngoài gửi tiền về Afghanistan. Việc kinh doanh của chúng tôi sẽ cần thiết trong nhiều năm nữa”, Zirak cho biết.

nhung000.jpg
Người đổi tiền tại một khu chợ - Ảnh: AP

Chủ tiệm Haqqani Books (chuyên bán ấn phẩm Hồi giáo) Irfanullah Arif cũng rất lạc quan về triển vọng làm ăn sắp tới. Phần lớn khách đến mua là học viên hoặc giáo viên trường tôn giáo.

Ở Afghanistan có ít nhất 20.000 trường tôn giáo. Taliban vẫn muốn xây thêm, năm ngoái giới lãnh đạo ra lệnh tuyển 100.000 giáo viên.

Quá trình chuyển giao quyền lực hỗn loạn cùng với tình trạng học viên bỏ trường tôn giáo chuyển sang làm việc cho chính quyền Taliban từng khiến Haqqani Books gặp khó khăn. Chính sách tăng cường giáo dục tôn giáo giúp việc kinh doanh hồi phục phần nào, năm ngoái Arif bán được 25.000 quyển sách giáo khoa.

Nhưng ấn phẩm mà ông bán là hàng nhập khẩu nên phải đóng thuế. Một thùng 100 quyển sách phải đóng 170 đồng tiền Afghanistan (2,36 USD) và chi phí vận chuyển là 500 đồng tiền Afghanistan (6,95 USD). Thuế tăng đẩy giá bán lên cao.

Bài liên quan
Căng thẳng Pakistan-Afghanistan: Nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện
Mối quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan đang leo thang căng thẳng với các cuộc không kích của Pakistan vào lãnh thổ Afghanistan, gây ra thương vong lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Ba Lan nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Afghanistan: Những lĩnh vực ăn nên làm ra dưới thời Taliban nắm quyền