Đài CNN cho biết khi chuỗi cung ứng của Mỹ chia tách khỏi Trung Quốc, ngành sản xuất Mexico hưởng lợi lớn.
Mexico trở nên hấp dẫn với các công ty từng chịu cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng thời đại dịch hoặc muốn giảm phụ thuộc vào giao thương Mỹ - Trung trong bối cảnh địa chính trị bất ổn. Họ lựa chọn chuyển sản xuất về gần thị trường nội địa (nearshoring). Nhà phân tích Alberto Ramos (ngân hàng Goldman Sachs) nhận định ngành sản xuất Mexico có cơ hội đạt thành công lâu dài nếu quá trình dịch chuyển tiếp tục diễn ra và chuỗi cung ứng toàn cầu được tái tổ chức.
Theo ông Ramos, nhiều năm qua Mexico và Trung Quốc cạnh tranh giành thị trường Mỹ rất gay gắt. Nhưng đến khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi thì Mexico dường như đã chiến thắng. Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 4.4 chỉ ra nhập khẩu từ Mexico trong tháng 2 tiếp tục tăng, còn nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái giảm đến 20% so với năm 2022.
Giữa lúc tình hình cạnh tranh cùng tình hình địa chính trị đều biến động, cả công ty Mỹ lẫn công ty Trung Quốc đều nhìn thấy tiềm năng khi sản xuất ở Mexico: chi phí lao động thấp, nằm gần Mỹ, hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng không dễ dàng
Ô tô là mặt hàng xuất khẩu chính của Mexico, và chúng cũng cho thấy quá trình dịch chuyển đang diễn ra như thế nào.
Mexico tập trung nhiều nhà máy ô tô, nhà máy của các công ty Mỹ hàng đầu như General Motors, Ford, Stellantis đều đặt tại đây. Hầu như mọi đơn vị đều phụ thuộc vào bộ phận sản xuất ở Mexico vì chúng rẻ hơn đáng kể so với bộ phận sản xuất ở Mỹ. USMCA giúp công ty tại Mỹ, Mexico, Canada đối mặt với ít rào cản hơn trong mua bán hay vận chuyển bộ phận ô tô trên toàn Bắc Mỹ.
Năm 2018, Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đồng thời thúc đẩy hàng loạt công ty giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Ô tô cần hàng chục nghìn chi tiết, chúng có thể được sản xuất ở bất cứ đâu. Nền tảng thông tin thị trường Xeneta lưu ý rằng bên cạnh hàng do Mexico sản xuất, không thể loại trừ khả năng công ty Trung Quốc lợi dụng Mexico để tránh thuế quan mà Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc. Theo Xeneta, xuất khẩu bằng container từ Trung Quốc sang Mexico trong tháng 1 tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoài, điều mà nhà phân tích Peter Sand cho rằng là dấu hiệu các đơn vị nhập khẩu đang tìm cách tránh thuế.
Công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics mới đây cũng nhận định mặc dù Mexico đã tăng sản lượng sản xuất, nhưng sản lượng của nước này cũng có thể tăng nhờ hàng hóa bên ngoài.
Khả năng hàng Trung Quốc - đặc biệt là nhôm và thép - tránh thuế đã thu hút sự chú ý của giới lập pháp Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo họ đang hợp tác với phía Mexico nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Thay đổi từ từ
Chuỗi cung ứng đang dịch chuyển, nhưng chuyển nhà máy lại chẳng hề đơn giản mà cần sự đầu tư thời gian lẫn tiền bạc đáng kể. Mặc dù vậy vẫn có không ít công ty quyết tâm thực hiện, đem đến cơ hội dài hạn cho ngành sản xuất Mexico.
Nhà quản lý danh mục đầu tư Christoffer Enemaerke (ngân hàng RBC) cho biết: “Có cảm giác mọi thứ ở thành phố Monterrey phía bắc Mexico phát triển bùng nổ. Gần đây chúng tôi đã gặp các công ty và chuyên gia bất động sản địa phương, họ nói rằng quá trình chuyển sản xuất về gần sẽ đóng vai trò động lực tăng trưởng trong nhiều năm của Mexico, đặc biệt là miền bắc đất nước”.
Chẳng hạn năm ngoái hãng xe điện Tesla thông báo kế hoạch xây nhà máy tại Monterrey. Giám đốc điều hành Elon Musk thời điểm đó tuyên bố rất hào hứng với kế hoạch.
Đội ngũ phân tích của ngân hàng Morgan Stanley dự báo trong 5 năm tới, giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ của Mexico sẽ tăng từ 455 tỉ USD lên khoảng 609 tỉ USD.
Mexico cũng vô cùng hấp dẫn với nhiều công ty Trung Quốc. Hãng xe điện BYD (cạnh tranh gay gắt với Tesla) cũng muốn mở rộng hoạt động ở Mexico. Hiện tại họ chưa bán ô tô tại Mỹ, nhưng đầu tư vào Mexico giúp hãng tiếp cận thị trường Mexico tốt hơn đồng thời chuẩn bị cho khả năng tiến vào thị trường Mỹ.