Đừng nghĩ việc xây nhà bán cho công nhân TP.HCM vì dù giá rẻ nào cũng xa vời với đại bộ phận mà hãy nghĩ việc tạo cho số đông những nơi ở tiện nghi nhất có thể.
Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách vào 18h ngày 30.9.2021 thì ngay đêm hôm đó, một lượng lớn người rời thành phố chạy về các tỉnh thành, ước tính có cả triệu người đã rời thành phố so với trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Có lẽ 4 tháng giãn cách bị cấm túc khiến họ không còn chịu đựng được thêm và quyết chí về quê. Khác với tâm trạng hồ hởi khi về quê mỗi dịp Tết hay nghỉ lễ kéo dài, cuộc hồi hương lần này có nhiều lo âu.
Dòng người về quê có khi cũng không biết họ sẽ làm gì để mưu sinh tại quê vì nếu có công việc tốt thì họ đã không phải kéo lên thành phố. Nhưng tại sao lại về quê khi thành phố đã nới lỏng, khi các doanh nghiệp đang khát lao động? Nếu đặt mình vào địa vị những người sống trong căn phòng trọ chật chội, bức bí suốt 4 tháng thì chúng ta sẽ muốn về quê với người thân trong một không gian thoáng đãng. Và thực tế hơn nữa thì 4 tháng qua, nhiều người sống trong cảnh nơm nớp hết tiền không biết mua gì để ăn uống, để trả tiền trọ.
Có lẽ sau một thời gian về quê, khi hoàn hồn lại, khi nhìn TP.HCM trở lại nhịp sống bình thường thì những người công nhân lại dắt díu lên thành phố và có khi còn mang theo cả những vật dụng lỉnh kỉnh vừa theo chân họ về quê. Nhưng ngay từ lúc này, TP.HCM cần nguồn lao động trở lại sớm làm việc để ổn định nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài, tạo đà khôi phục kinh tế.
Làm thế nào để thuyết phục người lao động trở lại thành phố và sẽ không tháo chạy lần nữa? Cần phải có sự chuẩn bị căn cơ để tránh các sai sót đến mức phải đưa ra lời xin lỗi như thời gian qua. Thay vì những lời cảnh báo về khả năng áp dụng giãn cách trở lại thì TP nên tính toán làm sao để dù có biến cố thì người lao động yên tâm ở lại TP.HCM.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng ngay khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới", trong kế hoạch phục hồi kinh tế, lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến câu chuyện nhà ở và chính sách cho công nhân, người lao động.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề cập đến vấn đề nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để giữ chân công nhân, người lao động ở lại thành phố làm việc.
Chủ tịch TP.HCM đã nhìn nhận rõ vấn đề của người lao động. Người lao động tha hương mưu sinh cũng mong có điều kiện sống tốt hơn ở quê nhà. Dám chắc rằng nếu thời gian qua, họ được sống trong các nơi có điều kiện sinh hoạt tốt thì chắc họ chẳng cần bỏ lại thành phố sau lưng, về quê ngay lập tức. Người công nhân cần an sinh và 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân rất nhân văn.
Tuy nhiên, 1 triệu căn nhà đó mới là đang trên bàn còn khi nào trở thành hiện thực thì chúng ta chưa thể rõ. Và nếu có 1 triệu căn nhà như thế thì lại nảy sinh câu hỏi: liệu phải thế nào mới được sở hữu nó. Nghe sở hữu nhà, người công nhân ở quê lúc này cảm thấy nó là cái gì quá xa vời, liệu khi nào họ dành dụm nổi trăm triệu để mua nhà chứ chưa nói đến tiền tỉ. Ngay cả những người nghèo có hộ khẩu TP.HCM còn thấy nhà là một cái gì đó rất không gần họ nữa là người ngoại tỉnh.
Đó là chưa kể dù nhà xây xong lại có những kẽ hở khiến đầu cơ len lỏi, khiến người cần nhà lại chưa có nhà, gây những suy tư bất bình không đáng có, rồi tâm lý suy bì giữa người được tiêu chuẩn mua nhà và người chưa được.
Cứ cho là có được 1 triệu căn nhà này đến tay công nhân thì điều gì xảy ra tiếp theo? Khi người công nhân có nhà xong, họ không đi làm nhà máy nữa mà chuyển sang làm việc khác thì lại đâm ra khó xử hơn.
Do vậy, dự án 1 triệu căn nhà giá rẻ nên cần tính lại về phương án thực hiện. Hãy để công nhân được nhanh chóng sử dụng những khu nhà thuê tiện nghi giá rẻ thay vì nghĩ cách bán nhà giá rẻ mà chẳng biết đời nào mới với tới. Ai cũng muốn sở hữu nhà đất nhưng chúng ta không nên đi giải bài toán khó này mà hãy giải bài toán dễ hơn là đảm bảo chỗ ở cơ bản cho công nhân. Hay nói cách khác, đừng nghĩ việc bán nhà cho công nhân vì dù giá rẻ nào cũng xa vời với đại bộ phận mà hãy nghĩ việc tạo cho số đông những nơi ở tiện nghi nhất có thể.
Lấy công nhân dệt may, ngành có số lượng lao động nhiều nhất nhì nước ta. Theo báo cáo của công đoàn hồi cuối năm ngoái, toàn quốc chỉ có 15 ký túc xá công nhân dệt may với trên 750 phòng, căn hộ phục vụ gần… 3.200 người lao động dệt may và thân nhân sinh sống.
Con số đó có vẻ quá khiêm tốn nếu biết vào hồi tháng 8 vừa qua, Chủ tịch nước đã biểu dương 3 triệu công nhân dệt may vừa sản xuất vừa chống dịch. Chỉ có 3.200 công nhân dệt may được ở ký túc xá giá rẻ, tức là tỷ lệ công nhân dệt may được ở ký túc xá chỉ hơn 1 phần nghìn.
Nhìn lại những gì đã qua từ đại dịch, đã đến lúc chính quyền và doanh nghiệp cần cùng nhau bắt tay lo cho đời sống công nhân, dựng ký túc xá cho họ an tâm ở lại gắn bó với công việc. Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo nhà ở cho công nhân và đổi lại là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thuê đất, tiếp cận vốn ưu đãi để xây dựng ký túc xá.
Ký túc xá cho công nhân cũng sẽ hiệu quả trong việc phòng chống bất kỳ đợt dịch nào bùng phát và sẵn sàng để các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ khi có biến cố. Nếu việc an cư cho công nhân giải quyết xong thì dù đại dịch nào có tới thì nhà máy vẫn có thể sản xuất, người lao động chẳng tính bỏ về quê.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”