NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 theo 3 kịch bản. Trong đó, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% (năm 2022) và 6,54% (năm 2023),

3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2022-2023

Lam Thanh | 01/10/2021, 22:19

NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 theo 3 kịch bản. Trong đó, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% (năm 2022) và 6,54% (năm 2023),

Động lực nào cho tăng trưởng 2022-2023?

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), với việc quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 được triển khai nhanh dần trên phạm vi cả nước, năm 2022 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phục hồi khả quan hơn cho thị trường lao động, việc làm sau khi các đợt dịch được kiềm chế.

Theo NCIF, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ là nhân tố tích cực, hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2022. EVFTA đã cho thấy tác động khá mạnh đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU kể từ khi hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Ngoài ra, với việc thực thi EVFTA, Việt Nam có thể kì vọng vào các tác động từ FDI và cải cách thể chế, chính sách và năng suất. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc được kì vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cải thiện. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

sx.jpg
Việt Nam có thể kì vọng vào các tác động từ FDI và cải cách thể chế, chính sách và năng suất

Đối với dòng vốn FDI, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trước đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và RCEP).

NCIF đánh giá, trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022. Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện.

Ngoài ra khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi được kì vọng phục hồi mạnh, trở lại vai trò dẫn dắt, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Nhiều khó khăn, thách thức

NCIF cũng nêu một số thách thức và khó khăn đối với kinh tế Việt Nam 2022-2023. Cụ thể là quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021 đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Kinh tế thế giới và các nền kinh tế đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Diễn biến của COVID-19 có thể còn phức tạp và khó lường.

Ngoài ra, tác động của các chính sách kích thích kinh tế khá hạn chế. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu. “Sức khỏe” của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn. Sức ép lạm phát và bất ổn vĩ mô: Từ bên ngoài, các gói cứu trợ mạnh được tung ra.

“Kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc. Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất. Dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn nghiêm trọng ở nhiều nước và chưa có dấu hiệu ngừng lại”, NCIF nêu.

Song song với đó, tác động của các chính sách kích thích kinh tế hạn chế, nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ. Sự kết hợp giữa gói kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ có thể mang lại hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong 2022.

NCIF cũng cho rằng việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể phải cần nhiều thời gian hơn. Nhiều doanh nghiệp đã, đang trong tình trạng kiệt quệ do khó khăn kéo dài. Trong đó, khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ vẫn là các rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi các rủi ro liên quan đến kì hạn trả nợ vay, kì hạn nộp thuế.

Đại dịch COVID-19 có sự tác động không đồng đều đến từng lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp. Ảnh hưởng nặng nề nhất là những ngành mà mô hình kinh doanh phụ thuộc vào tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, đặc biệt là ở quy mô lớn như du lịch, khách sạn, nhà hàng. Tiếp đến là ngành hàng không, ngành công nghiệp giải trí…

3 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2022-2023

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 theo 3 kịch bản.

Kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5,8% (năm 2022) và 6,54% (năm 2023), CPI trung bình khoảng 3,5% (năm 2022) và 3,6% (năm 2023), diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế.

sx-2.jpg
3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế

Ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%.

Kịch bản tăng trưởng cao: Tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,7% (năm 2022) và 7,03% (năm 2023), CPI trung bình khoảng 4,5% (năm 2022) và 4,7% (năm 2023) .

Kịch bản này cũng có thể xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt trên 3,5%.

Ở kịch bản này, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2022. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại.

Kịch bản tăng trưởng thấp: Tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 5,2% (năm 2022) và 6% (năm 2023), CPI trung bình khoảng 3% (năm 2022) và 3,2% (năm 2023).

Kịch bản này tuy ít nhưng vẫn có khả năng xảy ra khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, đi theo với đó là những biến chủng mới của đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều nước khó khăn trong kiểm soát đại dịch. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng mặc dù đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 ở trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
18 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2022-2023