Hãng tin Deutsche Welle chỉ ra, nếu Israel thành công đạt mục tiêu "xóa sổ" Hamas, Dải Gaza sẽ rơi vào cảnh không ai kiểm soát.

5 kịch bản cho tương lai Dải Gaza

Cẩm Bình | 30/10/2023, 14:20

Hãng tin Deutsche Welle chỉ ra, nếu Israel thành công đạt mục tiêu "xóa sổ" Hamas, Dải Gaza sẽ rơi vào cảnh không ai kiểm soát.

Israel đã triển khai lực lượng đến biên giới Dải Gaza, chuẩn bị thực hiện chiến dịch tấn công trên bộ. Mục tiêu của chiến dịch là xóa sổ Hamas và giải cứu con tin.

Chưa rõ Israel có đạt được mục tiêu hay không và số phận Dải Gaza sẽ ra sao. Nhà nghiên cứu Michael Milshtein (Đại học Tel Aviv) nhắc nhở "khoảng trống" quyền lực không được phép xuất hiện, vì khoảng trống này có thể bị tình trạng vô chính phủ và các nhóm Hồi giáo cực đoan lấp đầy.

Tình hình Afghanistan là “bài học xương máu” khi tổ chức khủng bố IS lợi dụng lúc chính quyền Taliban còn yếu để đẩy mạnh hoạt động; hay vùng Sahel (châu Phi) thiếu kiểm soát đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm cực đoan hoành hành.

Iran - quốc gia hậu thuẫn cho Hamas và nhiều nhóm khác trong khu vực - cũng có thể hưởng lợi từ khoảng trống quyền lực, tìm được đồng minh hoặc đối tác mới ở Dải Gaza.

5kich.jpg
Israel chuẩn bị thực hiện chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza - Ảnh: Deutsche Welle

Sau đây là 5 kịch bản cho tương lai của Dải Gaza:

Kịch bản 1: Israel kiểm soát

Israel từng nắm quyền kiểm soát Dải Gaza cho đến năm 2005 và không loại trừ khả năng lịch sử lặp lại nếu chiến dịch tấn công trên bộ của Israel thành công. Tuy nhiên, việc tái kiểm soát có thể làm bùng lên một cuộc tấn công quân sự mới, đồng thời ảnh hưởng đến cán cân quyền lực khu vực, theo giáo sư Stephan Stetter (Đại học Lực lượng vũ trang liên bang Đức).

Ông cảnh báo: “Tại Israel đang có lời kêu gọi nên chiếm đóng Dải Gaza lần nữa. Đây sẽ là động thái “tiếp sức” cho những ai muốn kéo dài xung đột Israel - Palestine”.

Ngoài ra, theo luật nhân đạo quốc tế, bên chiếm đóng phải có trách nhiệm với người dân ở vùng lãnh thổ họ đang nắm quyền kiểm soát - việc vượt quá khả năng tài chính của Israel.

Israel cũng sẽ không thể tái kiểm soát Dải Gaza trước sự phản đối từ phương Tây, kể cả đồng minh Mỹ. Hơn nữa làm vậy cũng tác động tiêu cực đến quan hệ với một số nước Trung Đông mà Israel đang cố bình thường hóa quan hệ.

Kịch bản 2: Chính quyền Palestine tiếp quản

Chính quyền Palestine (PA) được lãnh đạo bởi Tổng thống Mahmoud Abbas và đảng Fatah lâu nay chỉ quản lý một phần nhỏ Bờ Tây. Trên thực tế bên nắm quyền kiểm soát đa số lãnh thổ là Israel.

Nhà nghiên cứu Milshtein chỉ ra, PA không được lòng người dân. Chính quyền này nhiều lần bị người dân Bờ Tây biểu tình cáo buộc tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi và không dân chủ.

Cuộc bầu cử gần nhất là vào năm 2005 và Tổng thống Abbas nắm quyền từ đó cho đến nay. Nhân vật này bị phương Tây chỉ trích vì đưa ra hàng loạt tuyên bố "bài" Do Thái và không giữ khoảng cách với Hamas, còn người dân Palestine thì chê trách ông thiếu quyết đoán trước Israel.

Giáo sư Stetter nhận định PA có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Dải Gaza, nhưng nếu họ tiếp quản sau khi Israel xóa sổ Hamas thì sẽ bị xem như kẻ trục lợi từ chiến tranh, chiếm đoạt quyền lực sau lưng các nạn nhân chiến tranh.

5.jpg
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - Ảnh: Deutsche Welle

Kịch bản 3: Một chính quyền dân sự Palestine

Đây là kịch bản tốt nhưng khó thực hiện. Một chính quyền dân sự sẽ tập hợp đại diện nhiều tầng lớp xã hội Palestine, có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với PA ở Bờ Tây. Mô hình lãnh đạo như vậy dễ được Ai Cập, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Mỹ ủng hộ.

“Có khả năng trật tự mới không ổn định, gặp nhiều thách thức trong thời gian dài, nhưng nó tốt hơn các phương án tồi tệ khác”, theo nhà nghiên cứu Milshtein.

Kịch bản 4: Liên Hợp Quốc quản lý

Giáo sư Stetter cho rằng, về mặt lý thuyết, Liên Hợp Quốc có thể quản lý khu vực xung đột sau khi một bên tham gia bị đánh bại (như từng thực hiện ở Kosovo và Đông Timor). Tuy nhiên, ở trường hợp Dải Gaza thì phương án này rất khó thực hiện. 

Kịch bản 5: Chính quyền lập nên bởi khối Ả Rập

Giáo sư Stetter nghiêng về kịch bản các quốc gia Ả Rập cùng PA giữ vai trò kiểm soát Dải Gaza: “Phương án này thực sự có lợi cho các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là số quốc gia có thái độ dè dặt với tổ chức chính trị Anh em Hồi giáo”.

Hamas được xem như “chi nhánh Palestine” của Anh em Hồi giáo - thế lực mà Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE luôn nghi ngại.

Chính quyền lập nên bởi khối Ả Rập có thể thuyết phục người Palestine rằng lợi ích của họ sẽ được đại diện chứ không phải bị gạt sang một bên. Mô hình như vậy cần sự hợp tác từ phương Tây cũng như Liên Hợp Quốc, cùng hỗ trợ tài chính dồi dào.

Bài liên quan
ICC phát lệnh bắt ông Netanyahu, Israel phản ứng mạnh
Ngày 21.11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cùng chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì vi phạm tội ác chiến tranh trong xung đột ở Dải Gaza.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 kịch bản cho tương lai Dải Gaza