Hãng tin Deutsche Welle lưu ý đến khả năng chiến dịch quân sự trên bộ vào Dải Gaza mà Israel sắp thực hiện tạo ra phản ứng dây chuyền khắp Trung Đông, kéo thêm nhiều quốc gia và nhóm vũ trang - gồm cả Mỹ lẫn Nga - vào vòng xoáy bạo lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố chiến dịch có thể kéo dài hàng tháng nhưng cuối cùng Hamas phải bị xóa sổ. Theo nhà phân tích Guido Steinberg (Viện An ninh quốc tế Đức): “Tôi nghĩ quân đội Israel đủ sức phá hủy hạ tầng của Hamas ở Dải Gaza, tuy nhiên dù họ có tác chiến cẩn thận đến đâu thì số dân thường thiệt mạng vẫn sẽ rất nhiều”.
Tiến sĩ Hans-Jakob Schindler (tổ chức Dự án chống chủ nghĩa cực đoan) cảnh báo thương vong dân thường lớn đem lại rủi ro xung đột lan rộng: “Hamas muốn dựng nên cảnh kinh hoàng về cái chết của thường dân Palestine, từ đó lôi kéo Iran và lực lượng ủy nhiệm tham chiến”.
Lực lượng ủy nhiệm không ai khác chính là các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, chẳng hạn như Hezbollah ở Lebanon - thủ phạm tiến hành hàng loạt vụ tấn công Israel bằng tên lửa thời gian gần đây.
Nhà phân tích Steinberg dự báo nếu tình hình leo thang thì trước hết Hezbollah sẽ ồ ạt oanh tạc miền Bắc Israel, tiếp theo đến địa điểm quân sự Mỹ tại Syria bị tấn công, sau đó đến lượt lực lượng dân quân Shi'ite ở Iraq nhắm vào những mục tiêu phương Tây khác.
Mỹ có thể ngăn chặn xung đột leo thang hay không?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tay nhằm ngăn chặn phản ứng dây chuyền như vậy: đầu tiên triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến phía đông Địa Trung Hải với mục đích răn đe Hezbollah cũng như Iran, thứ hai là kêu gọi Israel hành động kiềm chế ở Dải Gaza.
Phát biểu tại Tel Aviv, Tổng thống Biden khuyên đồng minh “không nên nổi cơn thịnh nộ” và lặp lại sai lầm của Mỹ sau vụ bị tấn công khủng bố 11.9.2001. Ông nhấn mạnh hiện tại nên tập trung vào mục tiêu cho Iran cùng lực lượng ủy nhiệm thấy tình hình leo thang chắc chắn khiến cơ cấu mà họ thiết lập suy yếu đáng kể, cộng đồng quốc tế cũng nên góp sức giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza để xung đột “không đánh nhầm người”.
Tuy nhiên, các thế lực Trung Đông xác định Mỹ thiên vị Israel. Nhận thức này thể hiện rõ qua việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đều hủy cuộc gặp với Tổng thống Biden sau khi ông tuyên bố tin vụ nổ bệnh viện al-Ahli tuần trước do nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo Palestine gây ra đúng như lời Israel.
Nhà phân tích Steinberg cho rằng khả năng Nga - nước có quan hệ thân thiết với Iran, Syria - can dự là rất thấp. Xung đột giữa Israel và Hamas hiện tại phần nào giúp chuyển hướng chú ý khỏi cuộc chiến Ukraine nên Moscow sẽ có lợi khi đứng ngoài nhìn phương Tây hao tổn nguồn lực.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn muốn giữ cho xung đột ở quy mô nhỏ để Nga không phải lãng phí nguồn lực ở Trung Đông của nước này, theo nhà phân tích Steinberg.