“Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào việc liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không?” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.
Thể chế nào, doanh nghiệp đó
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức, VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 26.3
Theo ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, trọng yếu là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) và doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp.
Để nâng cao năng lực cạnh trạnh quốc gia, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Namcho rằng, cần kết nối các thị trường, cải thiện cơ sở hạ tầng đồng thời giúp giảm nghèo, bình đẳng… và cả giáo dục bởi nền kinh tế đòi hỏi nuôi dưỡng những người có trình độ.
“Chính phủ cần tạo sự hoạt động công bằng giữa DN với các nhà đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế. Điều đó đóng vai trò quan trọng” - bà Kwakwa nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá phù hợp nhân tố rủi ro để có một môi trường kinh tế lành mạnh. Việt Nam cần có thị trường tài chính mạnh mẽ hơn và cần có nguồn vốn. Muốn vậy, ngân hàng cần có sự minh bạch để bảo vệ các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm cơ chế, cải thiện cơ sở tài chính, nâng cao năng suất bằng đổi mới công nghệ…
Tham luận tại Hội thảo, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: 5-7 năm tới sẽ trả lời cho câu hỏi dân tộc Việt Nam có vượt lên, có bứt phá được hay không?
Theo ông Lộc, chúng ta có thời cơ thuận lợi khi TPP đã được kí kết. Chúng ta đã vượt lên so với nhiều nước ASEAN và các nước láng giềng bên cạnh. Đây là cơ hội có một không hai khi TPP chưa mở rộng thành viên.
“Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không? Thể chế nào thì doanh nghiệp đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” - ông Lộc nói.
Sứ mệnh của mọi Chính phủ là tạo môi trường bình đẳng
Theo ông Lộc, để Việt Nam trở thành quốc gia có thể chế thuộc dạng hàng đầu thế giới, Chính phủ cần một tay cố gắng tạo môi trường bình đẳng, một tay khác hỗ trợ DNNVV. Đó là sứ mệnh của mọi chính phủ.
Ông Lộc cho biết, từ trước tới nay, việc hỗ trợ DNNVV chưa được ổn định, chỉ khi nào DN khó khăn thì mới hỗ trợ, nhưng giờ phải thay đổi, phải hỗ trợ những DN có tiềm năng cạnh tranh vươn lên gặp khó khăn tạm thời.
“Chọn những doanh nghiệp có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó chúng ta có những DN tư nhân mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia. Các DN sẽ đứng trên vai nhà nước để phát triển. Đây là tư duy cần được áp dụng để phát triển” - ông Lộc nói.
TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) cũng cho rằng, giải pháp của mọi giải pháp là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp, từ trung ương đến địa phương.
“Chúng ta đã nói nhiều về điều này, trong việc tạo ra và thúc đẩy sự khởi nghiệp của doanh nghiệp, chỉ có thể làm nhanh làm tốt nếu người đứng đầu ra tay. Người đứng đầu cũng cần nói là làm, đổi mới phong cách làm việc là hành động, hành động quyết liệt, cho đến kết quả” - TS Hồ nói.
Cùng với đó là đổi mới và tăng cường chất lượng, hiệu lực của bộ máy làm việc với những nhân lực chuyên nghiệp. Khởi nghiệp không thể tạo ra bởi bộ máy và con người kiến tạo, ươm tạo nó vẫn giữ phong cách làm việc cũ không còn thích hợp, không đổi mới, không khoa học, không sáng tạo.
Doanh nghiệp liêm chính, sáng tạo thay vị trục lợi từ quan hệ
Về phía DN, ông Lộc cho rằng phải thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hãy tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính, DN phải đảm bảo sự minh bạch, liêm chính, thay vì tìm những mối quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận bất minh. Có như thế mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới.
Không chỉ có sự hỗ trợ của nhà nước, DN cần có sự hỗ trợ của các hiệp hội, cần có thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh để giúp các DN vươn lên trở thành nơi cung cấp các dịch vụ cho DN lớn. Các DNNVV không thể tự mình vươn lên nên điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói có thể cần 20 năm nữa thu nhập bình quân đầu người Việt Nam mới bằng mức thu nhập bình quân của thế giới.
Trí Lâm